bùi bảo trúc / giữa ma-trận của ngôn ngữ & cuộc đời
1.
Lại một người bạn nữa của tôi ra đi. Bùi Bảo Trúc. Sự lên đường của anh làm tôi, cũng như rất nhiều người khác, buồn, tiếc. Riêng tôi, lại còn có một điều gì đó như nghèn nghẹn. Một nghèn nghẹn trong nỗi hồi tưởng. Và tôi bắt đầu cuộc nhớ miên man của mình về anh. Một nỗi nhớ có mình ở trong.
Khi từ bỏ bạn bè mình, anh chỉ mới 72 tuổi. Nói chung, với cái sống của người đời, ra đi vào độ tuổi này là đúng nhẽ. Người xưa còn bảo là “thất thập cổ lai hy”, 70 tuổi xưa nay hiếm thấy. Thế nhưng, với con người của Bùi Bảo Trúc (BBT), một người hết lòng thiết tha với việc viết lách, việc “làm báo”, một người năng động, thích chia sẻ đủ mọi thứ chuyện với bằng hữu cũng như với người đọc, người nghe, cùng với bao nhiêu việc mà anh đang dự định hoàn tất nhưng vẫn còn đang dang dở, sự ra đi của anh, trong cảm nhận riêng tôi, vẫn là khá sớm.
Từ những năm hai mươi mấy tuổi, khi còn là sinh viên, BBT đã bắt đầu chính thức bước vào nghiệp chữ nghĩa. Trước hết là trong những bài viết trên mục “Lá Thư Tân Tây Lan” (nơi tác giả du học) trên nhật báo Tự Do ở Sài Gòn, sau đó là trong vai trò phát ngôn nhân chính phủ của Việt Nam Cộng Hòa vào giai đoạn cuối cuộc chiến, rồi đến những ngày làm việc tại đài VOA (Tiếng Nói Hoa Kỳ), cùng lúc bắt đầu viết tạp ghi trên tờ Văn Nghệ Tiền Phong ngay từ những năm đầu thập niên ’80. Trong tất cả những vùng đất, những không gian đòi hỏi phải sử dụng chữ nghĩa ấy, BBT đã cho thấy anh là một người của ngôn ngữ. Anh gắn bó với chữ nghĩa. Và cũng thích đùa cợt với nó. Một cách sâu sắc. Nhiều khi đi kèm với một thái độ châm biếm. Nhưng hầu như lúc nào anh cũng giữ được sự duyên dáng trong cung cách tiếp cận với ngôn ngữ của mình.
Bùi Bảo Trúc là một người “phức tạp”. Có nghĩa, khi nói về con người anh, người ta có thể đứng từ nhiều góc độ, để xét về những khía cạnh khác nhau. Có nhiều mặt rất tích cực; nhưng ở một vài phương diện (như đời sống của hầu như bất cứ ai trong chúng ta), người ta cũng có thể phê phán, thậm chí chê trách anh. Đó là số phận của những con người có cá tính mạnh. Sống thẳng. Nhất là những con người đó, ở một số khía cạnh, lại là những người thuộc về quần chúng, những người tự phơi bày cuộc đời mình dưới những ngọn đèn hàng trăm nến của dư luận. Có lẽ, hơn nhiều người trong chúng ta, anh đã sống hết sức mãnh liệt, thậm chí có những lúc rất cực đoan, và anh sẵn sàng bày tỏ ý kiến riêng của mình trước công luận trên nhiều mặt. Có rất nhiều điều, thuộc phạm vi “nhậy cảm”, anh đã lên tiếng trên những trang báo của mình. Như những vấn đề chính trị, phái tính. Những cái yêu, cái ghét, cái giận, cái bực, cái thương, cái chủ quan của con người trong cuộc sống. Vân vân. Loạt bài “Thư Gửi Bạn Ta” của Bùi Bảo Trúc, được viết liên tục mỗi ngày từ năm 1989 cho đến tháng Chín 2016, tức là gần 30 năm, lúc đầu trên các báo Người Việt ở Westminster và Việt Nam Nhật Báo ở San Jose, và sau này trên nhiều tờ báo khác (và sau đó lại được phổ biến rộng khắp trên nhiều diễn đàn mạng), trước khi tác giả của nó ra đi khoảng hai tuần trước lễ Giáng Sinh 2016, đã cho anh rất nhiều cơ hội để nói lên bao suy nghĩ của mình về đủ mọi mặt của cuộc sống. Tất cả những hỉ nộ ái ố ai lạc dục của người đời, kể cả của anh nữa, đều được anh bày biện trong đó. Một cách rất duyên dáng, tài hoa, gần như lúc nào cũng với ít nhiều châm biếm. Và sâu sắc.
Bây giờ Bùi Bảo Trúc đã nằm xuống. Rất nhiều điều anh đã làm, đặc biệt những điều anh đã viết ra, đều có thể được nhìn ngắm và đánh giá ở những góc cạnh khác nhau, tùy theo vị trí nhìn ngắm cũng như chủ kiến của những người có thể đưa ra những lời phẩm bình, phê phán, khen tặng và đánh giá. Sau khi anh không còn nữa, tôi đã được đọc một số bài báo/tùy bút viết về anh. Có thể nói tất cả đều cho rằng anh là một nhà báo chuyên nghiệp, tài hoa và sâu sắc. Và tận tụy với nghề. Tôi cho rằng tác giả những bài viết ấy có những lý do khách quan, chính đáng và có cơ sở để lên tiếng như thế. Ở đây, trong vị trí của một người có khá nhiều kỷ niệm riêng tư với anh, cũng như đã chia sẻ với anh một số sở thích, tôi muốn viết về Bùi Bảo Trúc chủ yếu như một người bạn. Một người bạn yêu văn chương, chữ nghĩa. Và đã để hết cả cuộc đời mình để học hỏi, dùi mài cái sở thích cũng như cái niềm vui có nhiều nét cao nhã này.
Tôi sẽ thử viết về Bùi Bảo Trúc, một kẻ lăn lộn giữa ma-trận (matrix) của ngôn ngữ và cuộc đời. Và, một cách nào đó, ở một khía cạnh nào đó, viết về một người bạn, như thế, cũng có nghĩa là viết về chính mình.
2.
Bùi Bảo Trúc, Bùi Vĩnh Phúc, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Quốc Bảo, và Ngọc Hoài Phương (hình Interrnet)
Bùi Bảo Trúc hơn tôi 9 tuổi. Và anh đã “vào đời” trước tôi trên một số phương diện. Tôi không quen biết anh những ngày chúng tôi còn ở Việt Nam trước năm 1975. Nhưng, ở một khía cạnh nào đó, tôi lại được biết và “quen” với ông cụ thân sinh anh, nhà giáo Bùi Văn Bảo, một người được tiếng rất tốt là yêu mến chữ nghĩa Việt và luôn khuyến khích, khuyên nhủ các bậc phụ huynh Việt sau cuộc “xảy đàn tan nghé”, trôi dạt khắp nơi trên quả địa cầu, chăm lo cái gốc tiếng Việt cho con cái mình. Một câu nói nổi tiếng, nếu tôi nhớ không lầm là của cụ, trong những đợt cụ hô hào phụ huynh Việt Nam quan tâm và giúp cho con em mình, hiện trong cảnh sống xa quê hương, đặc biệt sống ở các xứ nói tiếng Anh, học hỏi ngôn ngữ và văn hóa Việt. Đó là câu khuyên nhủ mà nhiều người trong chúng ta còn nhớ: “Chỉ sợ đàn con quên tiếng Việt / Đừng lo lũ trẻ dốt Anh văn”. Đúng là như vậy, trẻ con Việt Nam ở ngoài nước, học tiếng Anh hay những thứ tiếng bản xứ nơi các em, các cháu cư ngụ rất nhanh. Nhưng nếu bố mẹ, ông bà không quan tâm, thiết tha đến tiếng Việt và văn hóa Việt, để dạy dỗ (hoặc nhờ dạy dỗ qua các trung tâm Việt ngữ trên khắp các nước trên thế giới có người Việt định cư), và khuôn nắn các em, các cháu trong tinh thần văn hóa Việt, chắc chắn việc lũ trẻ đánh mất nguồn cội dân tộc là điều ta có thể nhìn thấy trước mắt.
Tôi quen cụ Bùi Văn Bảo, là thân sinh của bạn tôi, trước khi quen biết anh, từ những ngày còn ở Việt Nam như thế này. Khi tôi lớn lên, có một số tờ báo dành cho thiếu nhi và thiếu niên ở Việt Nam mà tôi được tiếp cận và, qua đó, được học hỏi nhiều điều bổ ích; ngoài ra, cũng qua những tờ báo này, tôi nhìn thấy lòng yêu thích chữ nghĩa, văn hóa Việt Nam phát triển nơi tâm hồn mình. Đúng hơn, những tờ báo ấy đã gieo những cái mầm tươi tốt trong lòng tôi, một đứa trẻ có lẽ cũng đã có sẵn cái mảnh đất tinh thần nhỏ bé khá mầu mỡ mà bố mẹ và gia đình đã cày xới trong lòng nó từ những ngày còn nhỏ. Hai trong những tờ báo loại đó còn tạo được những ấn tượng đẹp đẽ trong lòng tôi là tờ “Phụ trương Ngôn Luận / Văn Nghệ Học Sinh-Gia Đình” của nhà văn Phạm Cao Củng và tờ “Tuổi Xanh” của nhà giáo Bảo Vân. Bảo Vân đây chính là cụ Bùi Văn Bảo.
Ngày ấy, dạo học những năm Đệ Lục, Đệ Ngũ, tức là khoảng năm 13 hay 14 tuổi, tôi bắt đầu tập làm thơ. Và tôi ngồi mơ mộng làm những bài thơ học trò gửi cho “anh” Bảo Vân. Cụ Bảo Vân rất sõi tâm lý. Trên những trang báo của mình, Cụ xưng “anh” với các em độc giả thiếu nhi/thiếu niên rất thoải mái. Tôi chẳng biết “ất giáp” gì về cái mẹo tâm lý ấy nên cứ ngồi viết thư cho “anh” Bảo Vân, mà tôi nghĩ là chắc chỉ hơn mình chục tuổi là nhiều, như là viết… thư tình. Và gửi các bài thơ mình làm cho tờ báo. Thơ tôi (dĩ nhiên là được ký với “bút hiệu” cho đúng… phong cách) đã được “anh” Bảo Vân đăng khá nhiều trong suốt thời gian đó. Tôi nhớ có lần, vào một buổi chiều Chủ Nhật, trên căn gác nhà mình, làm được mấy bài thơ đắc ý, tôi ngồi nắn nót chép lại. Rồi, tôi lấy một tờ giấy trắng ra viết thư cho “anh” Bảo Vân để gửi những bài thơ tâm đắc ấy. Tôi say sưa để lòng mình… phơi trên trang giấy mà không hề biết là ông cụ của tôi đã đứng sau lưng mình tự lúc nào. Chắc ông cụ, khi lên gác, thấy thằng bé con ngồi cặm cụi say sưa viết lách nên tò mò đứng im sau lưng quan sát. Xem hắn viết cái gì. Một lúc sau, có lẽ đã quan sát đủ và biết được đứa con mình đang viết “tình thư” cho ai, ông cụ khẽ đằng hắng một cái. Tôi giật mình quay lại và xấu hổ lấy tay che đi lá thư. Ông cười một cách hóm hỉnh và đáng yêu rồi bảo, “Con viết cho xong lá thư đi, rồi ngủ một giấc ngắn. Chốc nữa còn xuống ăn cơm!” Tôi choáng cả người, nhưng cũng thầm cám ơn bố vì ông đã không bảo tôi đưa lá thư cho ông xem. Dù sao, tôi nghĩ ông cũng đã đọc hết lá thư mà tôi đã viết gần xong cho “anh” chủ bút Bảo Vân.
Sau này, khi đã ở bên Mỹ, có dịp liên lạc lại với cụ Bùi Văn Bảo, cụ cám ơn tôi, “một người đã ‘hợp tác’ với tờ báo”, còn nhớ đến cụ. Và cụ quý mến gọi tôi là “một người đồng tông”. Vì mối “quan hệ” này mà, về sau, đôi khi để trêu cợt người bạn lớn tuổi của mình, tôi bảo với anh là tôi có quen biết lớn với ông cụ của anh, anh liệu mà cẩn thận… Những lúc ấy, có chuyện gì Bùi Bảo Trúc cũng chẳng dám “nho nhoe”. Anh rất yêu quý ông cụ của mình. Và, dĩ nhiên, cả bà cụ của mình nữa.
Nhưng dù cho có liên hệ với cụ Bùi Văn Bảo như thế, tôi và BBT cũng chẳng hề biết gì về nhau. Cho đến khi tôi chung tay làm nguyệt san Văn Học Nghệ Thuật (bộ mới), rồi nguyệt san Văn Học, với anh Nguyễn Mộng Giác và một vài văn hữu khác từ tháng Năm, 1985.
Bùi Bảo Trúc lúc ấy đang làm tại đài VOA, sau khi anh đã thành công trong việc xin chuyển nơi cư trú từ Canada sang Hoa Kỳ. Anh Trúc, dù lúc ấy đang viết loạt tạp ghi, nếu tôi nhớ không lầm, đặt tên là “Nói Với Đầu Gối”, và ký tên là Ngụy Trúc, trên báo Văn Nghệ Tiền Phong trên Washington, D.C., có lẽ cũng cảm thấy dòng máu văn chương đang chảy thêm một nhịp chảy khác, đằm thắm hơn, thơ mộng hơn, trong trái tim mình, nên đã làm một số bài thơ và, đặc biệt, dịch một số đoạn thơ trong tập “The Lover’s Gift” (“Tặng Vật của Tình Nhân”) của R. Tagore. Có lẽ anh muốn tìm một nơi xứng đáng và trang trọng để gửi gấm các sáng tác của mình. Nguyệt san Văn Học, lúc ấy, có lẽ là một trong những diễn đàn mà anh có lòng yêu và đánh giá cao. Anh không quen với nhà văn Nguyễn Mộng Giác. Và chắc cũng không quen với một ai khác trong nhóm chủ biên. Lúc ấy, tôi là một người đang âm thầm giúp cho anh Giác trong việc lựa lọc bài vở cho tờ báo. Tôi cũng đã viết nhiều tiểu luận văn học trên trang báo này cũng như ở một số diễn đàn khác. Dù sao, Văn Học Nghệ Thuật (bộ mới), rồi sau đó là Văn Học, đã là “trú sở” chính của tôi. Là người, cùng với một vài văn hữu khác, gầy dựng tờ báo từ trong trứng nước, và cùng sắp xếp bài vở để tờ Văn Học Nghệ Thuật bộ mới, rồi sau đó là Văn Học, sau khi chuyển tiếp từ tờ Văn Học Nghệ Thuật bộ cũ (còn dính dáng nhiều đến tên tuổi của nhà văn Võ Phiến), tôi có cái duyên gắn bó lâu bền với những tờ báo này. Chúng tôi đã cùng nỗ lực phân công trong việc sắp xếp và đóng góp bài vở ngay trong số đầu tiên của cả hai tờ báo. Rồi trong suốt trên 230 số báo cho đến tháng Tư, 2008. Sống trong cùng một địa bàn với Nguyễn Mộng Giác, và, trong giai đoạn đó, có điều kiện phụ giúp trong việc chọn lựa bài vở, trao đổi ý kiến về nội dung của các bài được chọn để đưa lên trang báo hàng tháng với Nguyễn Mộng Giác, tôi trở nên một trong những khuôn mặt khá quen thuộc của diễn đàn này.
Tôi không nhớ rõ là từ ai mà Bùi Bảo Trúc có địa chỉ của tôi. Anh viết cho tôi một lá thư, tự giới thiệu, và cho biết đã đọc nhiều bài tiểu luận văn học mà tôi đã viết. Anh muốn được quen biết tôi trong tình văn chương, và gửi cho tôi một ít bài thơ của anh. Tôi chọn một vài bài mình thích và đưa cho anh Giác. Từ đó, BBT là một thân hữu cộng tác với Văn Học. Ngoài thơ ra, có lần, như đã nhắc ở trên, anh gửi cho tôi vài chục đoạn thơ từ tập “The Lover’s Gift” (mà anh dịch thành “Tặng Vật của Tình Nhân”) của R. Tagore trong một tập tài liệu đánh máy và đóng lại thật cẩn thận. Dạo ấy, cuộc sống của chúng ta nói chung, của người Việt và các nhà văn Việt nói riêng, chưa có computer, chưa có desktop hay laptop gì cả, chưa nói đến các thiết bị tiện nghi khác như bây giờ. Anh Trúc đánh máy và sắp xếp tập sách một bên là tiếng Anh, một bên là tiếng Việt, rất công phu. Tôi đọc và thấy ngoài một ít bài thơ tình mang nhiều nét thi ca rõ rệt, những bài thơ khác của anh được viết một cách có vẻ chân chất, giản dị nhưng, nếu đọc kỹ, đầy nét thơ mộng và văn chương. Tôi cho rằng phải là một người có bản lĩnh, có tay nghề chữ nghĩa cao thì mới viết được những câu thơ vừa giản dị mà lại vừa nhiều chất thơ như vậy.
Tôi nhớ bài thơ “Gửi Căn Nhà Cũ” của anh (cùng với nhiều bài thơ của những nhà thơ khác mà tôi yêu mến và thấy thích hợp) mà tôi đã đưa vào trong giáo trình giảng dạy tại các lớp học về Ngôn Ngữ & Văn Hóa Việt Nam tại đại học của mình. Bài thơ đó, ngôn ngữ giản dị nhưng nói lên và mang lại được nét hoài cảm thiết tha cho những người xa quê. Một nỗi nostalgy mang nhiều chất thơ:
Hãy tưởng tượng khi bước vào cuối ngõ
Căn nhà xưa rêu phong kín tường vôi
Khung cửa sắt sơn đã bong lỗ chỗ
Chìa khóa mòn trong ổ bỗng reo vui
(…)
Hãy tưởng tượng trong khu vườn thuở trước
Cây ngọc lan ngày đó đã ra hoa
Mấy bụi trúc và một hàng thược dược
Mùi đất thơm cơn mưa nhỏ đầu mùa
Căn nhà xưa rêu phong kín tường vôi
Khung cửa sắt sơn đã bong lỗ chỗ
Chìa khóa mòn trong ổ bỗng reo vui
(…)
Hãy tưởng tượng trong khu vườn thuở trước
Cây ngọc lan ngày đó đã ra hoa
Mấy bụi trúc và một hàng thược dược
Mùi đất thơm cơn mưa nhỏ đầu mùa
Hãy tưởng tượng khi bước chân lên gác
Bàn ghế còn nguyên, sách vở còn bầy
Bỗng nghe thoáng tiếng mưa khuya dìu dặt
Những giọt buồn rơi mãi xuống đêm nay
Bàn ghế còn nguyên, sách vở còn bầy
Bỗng nghe thoáng tiếng mưa khuya dìu dặt
Những giọt buồn rơi mãi xuống đêm nay
Hãy tưởng tượng đêm sẽ nằm nghe gió
Trên chiếc giường thân thiết mấy năm xưa
Mấy con muỗi nhận ra người bạn cũ
Chú thạch sùng trong vách cũng bò ra
Trên chiếc giường thân thiết mấy năm xưa
Mấy con muỗi nhận ra người bạn cũ
Chú thạch sùng trong vách cũng bò ra
Hãy tưởng tượng trở về nơi hẹn cũ
Thăm hàng sao và bể nước đầy mây
Trên ghế đá vọng âm lời tình tự
Nét chữ mờ quấn quýt vẫn còn đây (…)
Cũng với tâm tình thiết tha, và chữ nghĩa giản dị một cách thần tình, như thế là bài “Trở Về Căn Nhà Cũ Ở Sài Gòn”:
Thăm hàng sao và bể nước đầy mây
Trên ghế đá vọng âm lời tình tự
Nét chữ mờ quấn quýt vẫn còn đây (…)
Cũng với tâm tình thiết tha, và chữ nghĩa giản dị một cách thần tình, như thế là bài “Trở Về Căn Nhà Cũ Ở Sài Gòn”:
Hỡi căn nhà của ta thời tuổi trẻ
Của những chiều mưa buồn gõ xuống mái tôn
Những buổi sáng nắng lùa qua khe cửa
Vẫn theo ta những đêm tuyết mịt mùng
Của những chiều mưa buồn gõ xuống mái tôn
Những buổi sáng nắng lùa qua khe cửa
Vẫn theo ta những đêm tuyết mịt mùng
Hãy ngỏ cửa, đêm nay ta trở lại
Cánh cửa ơi có còn nhớ nhau không?
Chiếc chìa khóa năm xưa ta làm gẫy
Mấy chục năm trời trên cổ vẫn tòn ten (…)
Cánh cửa ơi có còn nhớ nhau không?
Chiếc chìa khóa năm xưa ta làm gẫy
Mấy chục năm trời trên cổ vẫn tòn ten (…)
Còn tập thơ dịch những bài thơ xuôi của Tagore thì đẹp và thật thơ mộng, chưa kể sự chính xác trong cách dịch chúng. Tôi đề nghị anh Giác đăng vài đoạn thơ dịch Tagore của BBT. Nhiều độc giả cũng yêu mến thơ anh và tài năng dịch của anh. Tình thân của chúng tôi mỗi ngày mỗi khăng khít hơn.
Sau này, vào những năm trước khi BBT xuống định cư hẳn ở Nam California và làm việc cho một số cơ sở truyền thông tại đây, mỗi khi có dịp lên vùng Washington, D.C. vì chuyện này hay chuyện nọ, tôi gần như đều “ở trọ” tại nhà anh. Lúc đầu tại Falls Church; sau, tôi nhớ là ở một vùng khác cũng gần đó. Anh lo cho tôi thật chu đáo, đón từ phi trường, đưa về nhà, lại đưa đi thăm đủ mọi nơi mọi chỗ của các thân hữu. Qua anh, tôi cũng có thêm được một vài người bạn trên vùng thủ đô này. Tôi nhớ những buổi tối ở nhà anh, ngoài việc hí hửng khoe với tôi những chiếc máy bay mà anh đã công phu tự lắp ráp lấy, và nói rằng đó là hobby của mình (lúc ấy, khuôn mặt của “chàng” ánh lên nét thơ trẻ, hồn nhiên, đầy hạnh phúc), anh còn khoe và có những khi tặng tôi một số sách vở, tài liệu quý. Tôi nhớ lần đó anh tặng tôi một cuốn sách nhỏ bằng tiếng Anh, không biết anh đã mua được ở đâu, tập hợp những bài thơ tiếng Anh, Pháp, Đức, v.v., của một số học giả và “tài tử gia” thế giới giới thiệu, dịch và bình bài thơ “Hoàng Hạc Lâu” của Thôi Hiệu. Những bản dịch thơ rất hay, nhưng cũng có những bài rất “choáng”, rất diễu và … “tưng tửng”; trong đó, có một bài dám biến cánh “hoàng hạc” của Thôi Hiệu thành một “tên lửa” (fire rocket) chở ông già thơ bay vào tận không gian mù mịt. Bùi Bảo Trúc rất thú cái phong cách dịch của kẻ tài tử kia. Dù sao, anh cũng nói với tôi, “Cái thằng hỗn thật. Dám mang “ông cụ” [Thôi Hiệu] ra diễu!”
Dịp này, tôi cũng nhân tiện góp ý về những bài viết của anh trong loạt bài “Nói Với Đầu Gối” (tiền thân của loạt“Thư Gửi Bạn Ta”) anh đi trên Văn Nghệ Tiền Phong. Tôi cho rằng các bài anh viết rất thú vị, hoạt và rất hóm hỉnh, sinh động. Nói được nhiều vấn đề trong cuộc sống. Dù sao, tôi nghĩ nếu anh bỏ bớt đi phần bực giận (cho dù bực giận trong châm biếm), đôi khi đi đến chỗ hơi thô, mịch, thì các bài viết của anh sẽ đạt được nhiều hiệu quả hơn nữa. Tôi thấy, anh có tone down về mặt đó sau này. Nhất là trong loạt “Thư Gửi Bạn Ta”. Dẫu sao, tính cách con người, đổ xô lên mặt chữ, lên phong cách văn học, của một nhà văn, nhà báo, cũng là nét đặc thù của mỗi người cầm bút. Nó làm cho họ ghi được cái dấu ấn của mình. Cách này hay cách khác. Với những hiệu ứng tích cực hay tiêu cực riêng.
Tôi nhớ chúng tôi đã ngồi nói chuyện suốt mấy đêm về gần như tất cả mọi thứ trên đời. Phim ảnh, âm nhạc, tranh, thơ Việt, thơ Tàu, thơ Pháp, thơ Nga, thơ Ái-nhĩ-Lan, thơ Mỹ… Thơ dịch. Văn dịch. Phong cách dịch. Pipi. Caca. Những cây cối cùng đám lá ướt lóng lánh, những con ngõ cũ kỹ, những đêm mưa nhòa nhạt, những vũng lầy trong đường phố Sài Gòn xưa. Những hồn ma cũ. Ôi, cái “nostalgie de la boue” (“nỗi nhớ bùn nhơ”) của những hình ảnh quê nhà. Có thể nói, tất cả mọi chuyện, cuối cùng, giữa chúng tôi, lại chỉ quy về chuyện văn chương. Hay, nói đúng ra, nói về bất cứ chuyện gì, chúng tôi cũng đều tìm ra được “một sợi chỉ đỏ xuyên suốt” của văn chương chạy lần qua đó. Cái “sợi chỉ đỏ xuyên suốt”, ở đây, là một thành ngữ của văn chương thế giới (như trong danh ngữ “the red thread of narrative”) để chỉ cái cốt lõi chạy suốt một tác phẩm hay một câu chuyện kể, không có dính dáng gì đến chủ nghĩa Cộng Sản cả. Tôi yêu và gần Bùi Bảo Trúc ở điểm này. Nói chuyện gì rồi thì, giữa chúng tôi, cũng chỉ là những câu chuyện văn chương!
Bùi Bảo Trúc thích nghịch và chòng ghẹo bạn bè. Anh hay làm thơ chòng ghẹo mọi người. Ngoài ra, những bài thơ theo “trường phái” Bút Tre ở hải ngoại, theo tôi biết, là đã phát xuất từ anh. Rất sớm. Trên 30 năm trước. Trước khi trên mạng và trong nước có những rộn ràng và cập nhật về “trường phái” thơ này. Những chuyện vừa nói làm tôi nhớ đến một người bạn văn chương khác của tôi, cũng tài hoa …đa dạng như BBT, và có lẽ cũng trạc tuổi anh, cũng hay thích trêu chọc bạn bè như thế. Đó là Nguyễn Bá Trạc. Tác giả của Ngọn Cỏ Bồng và Chuyện Của Một Người Di Cư Nhức Đầu Vừa Phải. Nguyễn Bá Trạc, dù sao, cũng còn khỏe, đang chịu giá rét một cách hạnh phúc (bên người yêu dấu) ở mãi tận đất Phần Lan, ngay cạnh con gấu Putin Nga Xô. Cái tính nghịch ngợm, tinh quái, nhưng lại đầy nét tài hoa ấy của BBT đã được anh đưa vào loạt tạp bút Thư Gửi Bạn Ta mà trong suốt khoảng gần 30 năm anh đã đeo đuổi hay bị nó đeo đuổi (Có lẽ anh có hơn cả ngàn bài, hay gần hai ngàn bài trong loạt này? Vì chỉ trong ba quyển “Thư Gửi Bạn Ta” do nhà xuất bản Văn Nghệ in trong ba năm 1995, 1996 và 1997, mỗi quyển đã có khoảng trên dưới 100 bài, tập hợp các bài trong khoảng sáu tháng mỗi cuốn).
Cái thu hút độc giả khi đọc loạt bài này của BBT là do nơi anh đọc nhiều, nhớ kỹ, trình bày vấn đề lôi cuốn, hấp dẫn, lại rất duyên dáng, nói chung. Nhất là anh có trí liên tưởng nhạy bén, dễ “bàn ngang tạt dọc” đủ mọi vấn đề trong đời. Nhảy múa rất khéo. “Lăng ba vi bộ” rất hay. Kết bài thường như xạ thủ bắn trúng hồng tâm. Cái tính cách ấy, của một ký mục gia, một người dọc ngang, từng trải “sự đời”, một kẻ tài tử, thậm chí cũng được anh đưa vào trong lời “góp vui” đám cưới của anh. Đăng trên báo chí cẩn thận. Trong sự vụ này, anh còn lôi kéo thêm bạn bè cùng đứng chung với mình để “đùa yêu” cho vui! “Chàng” là như thế:
“Kẻ tài tử” Bùi Bảo Trúc và phong cách nghịch ngợm trong chúc mừng đám cưới (báo Người Việt)
Cái ngày đám cưới của tôi, chàng từ Washington, D.C. bay xuống, cùng một vài văn hữu khác. Không những có mặt, BBT còn là một trong mấy người MCs, mỗi người một phong cách, làm cho dịp vui ấy “ồn ào” và sinh động hơn. Tôi đã có được bao bạn bè và thân hữu văn học bên cạnh trong cái ngày “bị phát vãng” ấy (a transport: người bị đầy, bị phát vãng (nghĩa lịch sử, pháp lý) / a transport of delight: niềm hạnh phúc, vui thích). Nhiều bạn hữu vẫn còn nhớ chàng trong dịp ấy. Bao nhiêu khuôn mặt thân tình mà giờ đây nhiều người trong đó đã trở thành những “người muôn năm cũ”. Mai Thảo, Phạm Duy, Võ Phiến, Cao Xuân Huy, Nguyễn Mộng Giác… Và, bây giờ, cả “chàng” nữa.
Nghịch thì như thế, nhưng khi để lòng nhớ về một cơn mộng cũ, về một sợi tóc còn bay trong bóng chiều của quá khứ, lòng của kẻ tài tử kia cũng trở nên thiết tha, đằm thắm:
Những ngày Chủ nhật em đi đâu?
Ngày treo trên một chiếc ly sầu
Hàng cây lá mục nghiêng mình ngóng
Mây cũng chờ em, em ở đâu?
Hôm nay Chủ nhật, em đi đâu?
Chiều loang một chút nắng không mầu
Gió ơi, giữ hộ mùi hương cũ
Thuở những cầu vai chưa xa nhau (…)
Ngày treo trên một chiếc ly sầu
Hàng cây lá mục nghiêng mình ngóng
Mây cũng chờ em, em ở đâu?
Hôm nay Chủ nhật, em đi đâu?
Chiều loang một chút nắng không mầu
Gió ơi, giữ hộ mùi hương cũ
Thuở những cầu vai chưa xa nhau (…)
(K. khúc 1)
Và, chưa chi ta đã thấy nhau trong ngàn dặm quan san. Tình yêu, tự nó, là sự nhớ nhung. Người ta nhớ nhau ngay cả khi còn đang tay trong tay, đang lúc còn đang bên nhau hạnh phúc. Có lẽ chính vì thế nên Thanh Tâm Tuyền đã viết trong một bài thơ nổi tiếng của mình: “Anh(…) ôm em trong tay / Mà đã nhớ em ngày sắp tới”. Tình yêu là thế. Luôn là nơi chốn để trông mong, hướng về. Trái tim của Bùi Bảo Trúc cũng rung theo nhịp dao động ấy:
Lỡ mai tóc có thay mầu
Nét son có nhạt, môi sầu có phai
Lỡ mai có lạnh trên vai
Lòng vùi dưới tuyết, hồn ngoài trường giang
Lỡ mai bóng đã ngút ngàn
Dấu chim xưa cũng sẽ tan cuối đường
Lỡ mai người có quan san
Nhớ xanh bia đá, chờ vàng lũng sâu
Lỡ mai sông sẽ qua cầu
Có trong đáy nước, cơn đau một đời
Nét son có nhạt, môi sầu có phai
Lỡ mai có lạnh trên vai
Lòng vùi dưới tuyết, hồn ngoài trường giang
Lỡ mai bóng đã ngút ngàn
Dấu chim xưa cũng sẽ tan cuối đường
Lỡ mai người có quan san
Nhớ xanh bia đá, chờ vàng lũng sâu
Lỡ mai sông sẽ qua cầu
Có trong đáy nước, cơn đau một đời
(K. khúc 3, tháng 12.1987)
Sau này, vào năm 2000, khi cố gắng ra được tập “Tặng Vật của Tình Nhân”, dịch “The Lover’s Gift” của Rabindranath Tagore, trái tim chàng, dù qua thơ của người thi sĩ đáng yêu xứ Bengal, vẫn đập một nhịp thi thiết cũ:
Trái cây trong vườn mọc chi chít, chen chúc nhau trên cành, vươn mình ra phía ánh sáng trong nỗi đớn đau tràn đầy.
Hãy bước những bước chân kiêu kỳ vào vườn cây, nữ hoàng của ta ơi, hãy ngồi xuống dưới bóng mát, hãy hái những trái chín trên cành, và hãy để chúng dâng lên đôi môi của người vị ngọt tuyệt vời.
Trong vườn của ta, những con bướm tung đôi cánh trong ánh nắng, những chiếc lá rung mình, và hoa trái rộn ràng chờ đón giây phút hoàn thành.
(Đoạn thơ số III)
(The fruits come in crowds into my orchard, they jostle each other. They surge up in the light in an anguish of fullness.
Proudly step into my orchard, my queen, sit there in the shade, pluck the ripe fruits from their stems, and let them yield, to the utmost, their burden of sweetness at your lips.
In my orchard the butterflies shake their wings in the sun, the leaves tremble, the fruits clamour to come to completion.)
Và, trong một đoản khúc khác, giọng thơ vẫn thiết tha như thế:
Chỉ còn sót lại một chút này, còn bao nhiêu tôi đã phung phí hết trong một mùa hè đầy phóng đãng. Chỉ còn đủ để phổ vào khúc ca hát cho em nghe, để đan vào vòng hoa dịu dàng ôm lấy cổ tay em, để đeo trên tai em như một viên hồng ngọc, như một lời thầm thì bẽn lẽn, để liều lĩnh trong canh bạc chiều đã cầm chắc phần thua.
Thuyền của tôi quá mong manh, e không vượt nổi những con sóng dữ của trận mưa. Nhưng nếu em nhẹ nhàng bước xuống, tôi sẽ chèo đưa em men theo những nơi trú ẩn bên bờ, ở đó, làn nước đầy bóng tối gợn lên những con sóng nhỏ như giấc ngủ đầy mộng mị, và tiếng gù của những con chim câu đậu trên những cành lá rủ la đà cũng làm cho bóng trưa hóa thành ảo não. Lúc cuối ngày, tôi sẽ hái một bông hoa súng đẫm nước, cài lên tóc em rồi mới ra đi.
(Đoạn thơ số XII)
(It is little that remains now, the rest was spent in one careless summer. It is just enough to put in a song and sing to you; to weave in a flower-chain gently clasping your wrist; to hang in your ear like a round pink pearl, like a blushing whisper; to risk in a game one evening and utterly lose.
My boat is a frail small thing, not fit for crossing wild waves in the rain. If you but lightly step on it I shall gently row you by the shelters of the shore, where the dark water in ripples is like a dream-ruffled sleep; where the dove’s cooing from the drooping branches makes the noon-day shadows plaintive. At the day’s end, when you are tired, I shall pluck a dripping lily to put in your hair and take my leave.)
Sách, hoa và tranh (hình tư liệu riêng)
Bùi Bảo Trúc dịch Tagore rất thơ mộng. Anh như đưa ta vào lòng những con ngõ nhỏ, những bến nước, những vườn cây xứ Bengal. Và mùi thơm của hoa lá, tiếng những con chim câu gù nhau. Hai người yêu đứng bên nhau dưới tàng cây rậm mát, xanh sẫm màu lá cây. Tiếng nước chảy của những lòng sông, khe suối… Tôi đã có dịp viết ít lời giới thiệu cho anh trong tập sách này:
“Những lời thơ, tâm tình và hình ảnh của Tagore mang đầy tính nhân loại. Không gian thơ của ông bao la bát ngát, trong đó có những đàn chim bay ra từ tổ trời làm ngất ngây những đôi cánh đập của tình yêu, làm tươi mát thêm những buổi bình minh còn vương đầy những giọt sương mai của xuân thắm. Tình yêu trong thơ ông là tình yêu đầy tha thiết, thủy chung, với những lời nói đắm đuối dịu dàng, với những cặp mắt luôn âm thầm hướng vọng, và với những trái tim lặng lẽ đợi chờ, phập phồng một cung điệu yêu thương. Nó giống như hình ảnh của những đêm tối có sao canh chừng; của một con thuyền kiên nhẫn nằm chờ trong tối, nơi một bến rêu, tiếng bước chân của người mang bình minh đến. Thời gian của Tagore là thời gian vĩnh hằng. Và, cũng thế, thơ của ông là những tiếng nói mang những âm điệu vĩnh hằng. Chúng vỗ mãi trong trái tim ta những nhịp đập yêu thương tha thiết cho đời, cho người, và cho những ước vọng còn tồn tại mãi với thời gian.
Bản dịch của Bùi Bảo Trúc có được những đoản khúc mà những bản dịch trước đây không có. Đây là một bản dịch tài hoa, cho người đọc đến gần được với không gian thơ của Tagore. Ở đó, có những khung cảnh mộc mạc đằm thắm của quê hương Tagore và có những bóng dáng đi về của những người nam, người nữ cùng với những lời nói yêu đương thầm thì dịu dàng tha thiết của họ. Với bản dịch Việt ngữ này, Bùi Bảo Trúc cho thấy, hình như, đó cũng có lẽ chính là bóng dáng những kỷ niệm hay bóng dáng của những giấc mơ cũ càng mà mỗi một chúng ta vẫn hằng ôm ấp…”
3.
Bùi Bảo Trúc yêu thích ngôn ngữ. Biết tôi cũng yêu mê tự điển và từ điển, cũng như những cuốn sách bàn về ngôn ngữ và văn hóa của ngôn ngữ, anh hay chia sẻ với tôi những ý kiến của William Lewis Safire, một học giả Mỹ, cũng một nhà bỉnh bút, một ký mục gia sâu sắc về ngôn ngữ và chính trị của tờ New York Times, và là tác giả của cuốn sách nổi tiếng “On Language” (“Về Ngôn Ngữ”). Safire cũng là một nhà báo và người viết diễn văn cho các tổng thống. Vốn thông minh, có khiếu và yêu thích ngôn ngữ, lại thích đọc và tự tìm hiểu thêm về ngôn ngữ qua các tác giả nổi tiếng của Mỹ về phương diện này như William L. Safire và Richard Lederer, nên, tuy không được đào tạo trường ốc trong lĩnh vực này, Bùi Bảo Trúc đã cho chúng ta thấy anh là một người có cái nhìn sắc sảo và tài sử dụng ngôn ngữ đến độ “phù thủy”, ít nhất là trong lĩnh vực báo chí.
Tôi nhớ có lần anh than phiền với tôi về cụm từ “ngân hàng tinh trùng”, dịch từ cụm “sperm bank” trong tiếng Mỹ, của làng báo chí Việt. Tôi thấy anh rõ ràng có lý. Từ “bank” trong cụm này không thể nào dịch thành “ngân hàng” được. “Ngân” là bạc; “ngân hàng” là, trong một nghĩa chung, nơi có những giao dịch về tiền bạc, rút tiền, gửi tiền, v.v. “Ngân hàng tinh trùng” đúng là chối tai và không đúng về mặt ngữ nghĩa. Vốn là người đã làm việc tại đài VOA, có một số đồng nghiệp người Hoa, anh cho biết là những đồng nghiệp ấy dịch cụm từ này từ tiếng Anh thành “tinh tử khố”. “Khố” ở đây, tôi hiểu, là theo nghĩa của từ “khố” như trong “ngân khố” chẳng hạn. Nó là một cái kho, là nơi lưu giữ một thứ gì đó. Trong từ “ngân khố” thì đó là nơi giữ tiền, giữ bạc, mở rộng ra là giữ cả vàng nữa. Cụm “tinh tử khố”, dù sao, vẫn không thấy được dùng trong báo chí Việt. Có lẽ vì đa phần người Việt, kể cả những người làm báo hay viết lách, đều không quen với cách dùng này. “Ngân hàng” thì được; “phần tử” thì được; “tinh trùng” thì được. Nhưng… “tinh tử khố”!!! Đặc biệt, từ “khố”, ngoài trường hợp được dùng trong “ngân khố”, nghe ra dễ đưa người ta đến những hàm nghĩa “trần tục”. Cái hàm nghĩa phát xuất từ cái nghĩa trong tiếng Nôm, tiếng thuần Việt của nó. Khổ thế! Nhưng “tinh tử khố”, theo tôi, vẫn là một cách dịch danh ngữ “sperm bank” chính xác nhất.
Nói đến “tinh tử”, có lần BBT khoe với tôi là anh đã tìm được cách dịch cụm “coitus interruptus”, một cụm từ tiếng Latin để chỉ một phương pháp thông dụng và… không tốn tiền trong chuyện ngừa thai; tóm lại là chuyện “rút lui có trật tự” trước khi hoàn tất “nhiệm vụ rất khả thi” trong chuyện chăn gối, chuyện truyền/trồng tử gieo tôn. Anh bảo là anh sẽ dịch cụm này thành “khóc ngoài quan ải”. Tôi bảo, ừ, hãy tiếc thương cho những tinh cầu rơi rụng!
Lại có lần Bùi Bảo Trúc than với tôi về cách dùng cụm“tái bầu” (có nghĩa là được bầu lại lần nữa) của nhiều người làm trong lĩnh vực truyền thông. Kể cả một số người có tiếng là chuyên nghiệp. Anh bảo “tái” là tiếng Hán Việt, còn “bầu” là tiếng thuần Việt. Đâu có thể trộn lộn tứ tung như vậy được! Tôi đồng quan điểm với anh. Dĩ nhiên có những từ Hán-Nôm đề huề đã được sử dụng từ lâu đời, và chúng trở thành quen thuộc và được sử dụng tự nhiên trong tiếng Việt. Nhưng “tái bầu” không nằm trong trường hợp đó. Nếu muốn tạo tân từ, ta phải nắm vững vấn đề từ pháp, và biết rõ về những cách thức tạo từ. Không thể “sáng tạo” bừa bãi. Đối với BBT, “tái bầu” chỉ làm anh nghĩ đến hoặc là “phở tái”, hoặc là “có bầu, có thai thêm một lần nữa”!
Trong tiếng Hoa, “bầu” là “bảo” (保). “Bảo” còn có nghĩa là “giữ”, “gánh vác”, “nhận lấy trách nhiệm”. Như “tửu bảo” (酒保) là “kẻ làm thuê cho hàng rượu”. “Bầu cử” của mình được gọi là “bảo cử” (保舉) trong tiếng Hán. Tôi không chắc, để diễn ý “được bầu lại”, người Hoa có dùng từ “tái bảo” hay không, cho dù là người ta đã có “tái bút”, “tái bản”, “tái sinh”, “tái chế”, “tái phát”, thậm chí “tái bảo hiểm”, “tái bảo lãnh”, v.v. Nhưng, trong trường hợp… “tái bầu” này, tôi nghĩ có lẽ người Việt chúng ta nên dùng một nhóm từ giản dị như “được bầu lại”, hay “được tái tín nhiệm”, “được tái đắc cử”, v.v… Dùng “tái bầu” thì nghe sợ thật!
Còn nhiều trường hợp tương tự như thế nữa. Về vấn đề dùng Hán-Nôm hoặc Nôm-Hán loạn xạ. “Út nữ” cũng nằm trong trường hợp như thế. Dù cho có là “con gái út” đi nữa, thì “út” cũng không phải là một từ Hán-Việt để đi với “nữ”. Vẫn phải gọi là “thứ nữ” thôi. Nhưng bây giờ thì “út nữ” lan tràn trên các trang cáo phó. Biết đâu theo thời gian, khoảng vài chục năm nữa chẳng hạn, nó sẽ trở nên một từ có thể được đa số chấp nhận!
Bùi Bảo Trúc cũng đã khoe với tôi về cách dịch những từ “Pepsi Cola” và “Coca Cola”, những biểu hiệu nổi tiếng của văn hóa Mỹ. Anh bảo là, theo mấy đồng nghiệp người Hoa của anh trong Ban Hoa ngữ tại đài VOA, thì hai từ này được dịch, theo thứ tự, là “Bách-Sự-Khả-Lạc” và “Khả-Khẩu-Khả-Lạc”. Có nghĩa là “Trăm sự có thể (đưa đến) hạnh phúc” và “Vừa có thể đã miệng, vừa có thể hạnh phúc” (hay, “Trăm sự đã đời” và “Vừa ngon miệng vừa đã đời”). Hay thật! Vừa dịch được âm, vừa dịch (chế) được nghĩa.
Tôi đã có cơ hội kiểm soát lại điều này, và, đúng thế, khi đưa loại nước ngọt có gas này vào nước Tàu, những người của Coca Cola đã cho dịch “Coca Cola” thành 可口可乐,“Ke kou ke le”, có nghĩa là “Tasty Fun” hay “Delicious tasty happiness”. Đúng là “khả khẩu khả lạc” rồi còn gì! Còn “Pepsi Cola” thì được dịch thành 百事可乐,“Bai Shi Ke Le” , có nghĩa là “Everything laughable”, hay “100 ways to good luck”. Đúng là “bách sự khả lạc” rồi! Dù sao, tìm hiểu tiếp, tôi thấy là Pepsi đã bị “hố” trong vụ quảng cáo để đưa Pepsi vào lục địa Trung Hoa. Họ có cả một chiến dịch quảng cáo Pepsi cho giới trẻ Trung Hoa. Và họ có những slogans như “Pepsi generation”, rồi “Come alive with Pepsi.” và “Helps ‘em come alive!”. Trong sự dịch sang tiếng Tàu những slogans này, hãng Pepsi, trong khung cảnh xuyên-văn hóa, một cách vô tình đã làm cho người Tàu hiểu sai lạc ý nghĩa của chuyện “come alive” này. Họ hiểu nó thành “Come alive out of the grave with Pepsi.”, hoặc “Pepsi will bring your ancestors back from the dead.”, hoặc “Bring dead ancestors back from heaven.” Pepsi sẽ … đem tổ tiên bạn về từ cõi chết. (!) Thật ra, Coca Cola cũng không thoát khỏi cái bẫy “dịch” để đưa hàng của mình vào lục địa Trung Hoa thuở ban đầu. Người của họ (hay chủ những quán ăn, những nhà hàng tại địa phương) đã dịch theo lối phiên âm Coca Cola ra thành “Keke Kenla”, dùng lối viết Trung Quốc, khiến nó trở nên có một cái nghĩa quái dị là “Tadpoles bite wax” (“Nòng nọc cắn sáp”) (!) Cơ khổ! Sau đó, hết sức “phấn đấu” để sửa sai, họ mới đi đến “Ke kou ke le” (“Khả khẩu khả lạc”). Và Coca Cola trở nên thành công vượt mức.
Cũng thế, khi KFC đưa món ăn của mình vào Trung Hoa, họ đã để cho cái slogan “Finger-licking good” [Ngon đến chịu không nổi, phải liếm láp, phải mút ngón tay—còn dính mỡ và thịt gà rán—cho đã, cho đỡ phí!] của họ bị dịch sang tiếng Tàu một cách sai lầm thành “Eat your fingers off!” [“Hãy ăn (tươi nuốt sống) mấy ngón tay của bạn!”]. Còn hãng Coors khi mang cái slogan “Turn It Loose” (“Mở Nó Ra”, hay “Hãy thư giãn, thoải mái”) sang Tây-ban-nha, họ quên đi vấn đề tiếng lóng. Thế là chiến dịch quảng cáo biến cái slogan này thành “Bị khốn khổ vì tiêu chảy” (“Suffer from Diarrhea”) (!). Rồi chuyện của công ty sữa American Dairy Association khi đưa cái sloganrất thành công của họ là “Got Milk?” sang Mexico. Thật khốn khổ cho họ, cái slogan này được dịch ra thành “Are You Lactating?” (“Bạn Có Đang Cho Con Bú Không?”, hay “Bạn Có Đang Vắt Sữa (để cho con bú) Không?”). Trong văn hóa Mỹ, tại nhiều công sở có “Lactation room” (hay “Lactorium”) là một phòng riêng để các phụ nữ đang trong giai đoạn cho con bú có thể vào và sử dụng thiết bị bơm sữa để tạo sữa và lưu giữ trong tủ lạnh cho con mình.
Ôi, ngôn ngữ! Chừng nào ngôn ngữ còn thì chuyện “mistranslation” và “misunderstanding” như thế này sẽ tiếp tục còn làm cho con người dở khóc dở cười như thế.
4.
Có lần, giữa đường, trong khung cảnh khá náo nhiệt của chốn Bolsa, một nơi vừa ấm áp vừa ồn ào, đầy tình thân nồng nàn của người Việt nhưng đôi khi cũng có những xáo trộn nho nhỏ trong chính cuộc sống chung ấy (như bất cứ ở đâu và trong bất cứ hoàn cảnh nào có một cuộc sống chung), đang sửa soạn quanh xe gần một ngã tư, bất chợt thấy hai vợ chồng tôi cũng đang quành xe gần đó, Bùi Bảo Trúc đưa xe lại gần sát chúng tôi, cười và ra hiệu. Hai bên đều hạ cửa kính xe xuống. Anh nói nhanh là nếu không bận, anh mời ghé nhà anh chơi một lúc. Anh cho biết mình vừa có được một “trú sở”, một căn nhà nhỏ ngay trên đường Bushard, giữa trung tâm quận Cam, không xa nơi nhà văn Mai Thảo sống trước kia là bao.
Thế là chúng tôi có một dịp đầm ấm, dù chỉ trong vòng trên dưới nửa tiếng đồng hồ, tại “biệt thự” của anh. Đó chỉ là một căn hộ khá nhỏ, nhưng trong một chung cư xinh xắn, yên tĩnh. Ở đây, anh có thể dễ dàng tìm đường xuống “phố thị” với những hàng quán, những cơ sở báo chí tiếng Việt, và đầy ắp những cửa hàng, những sinh hoạt của người Việt gần ngay đó. “Nhà tôi” có lúc đứng loanh quanh ở bên bếp, nghe anh nói chuyện. Anh cười bảo, “Tôi hay xuống chỗ bếp này, nhưng chỉ là để nấu mì gói thôi. Tôi không biết làm bếp!” Thật khổ cho Bùi Bảo Trúc, bạn tôi! Dù sao, anh sống một đời sống ngăn nắp, có kỷ luật. Ngoài một kệ sách nhỏ với một số sách của bạn bè, thân hữu, những quyển mà anh thích, ít quyển sách ngoại ngữ và mấy cuốn tự điển và từ điển, có một cái bàn nhỏ trên đặt một cái laptop. Bên cạnh là một hệ thống nghe nhạc vừa phải. Và, nếu tôi nhớ không nhầm, anh còn có cả một cái máy quay đĩa, loại 45 vòng, thuở xưa.
Anh vui vẻ giới thiệu nhà cửa và nói với chúng tôi về những sinh hoạt cũng như thời khóa biểu làm việc của anh trong giai đoạn ấy. Anh làm cho vài cơ quan truyền thông, viết lách, thu âm, thu hình cho những chương trình của mình. Anh bảo một tuần anh phải chạy lên một studio gần Los Angeles một, hai lần để làm việc ở trên đó. Còn phần lớn thì giờ anh “cư ngụ” và “lăn lộn” tại đây, anh đưa tay “quét” một vòng căn hộ nhỏ. Chúng tôi quý anh về sự giản dị, ngăn nắp và kỷ luật mà anh có. Và sự thân tình với bạn bè nữa. Trước khi để chúng tôi đi, anh tặng tôi hai trong ba thứ rất nguy hiểm mà Tú Xương đã nhắc đến trong một bài thơ để đời nổi tiếng của mình:“Một trà, một rượu, một đàn bà / Ba thứ lăng nhăng nó quấy ta…” Đó là một bộ tách trà cổ, bằng sành, có cả ấm, khay và bốn cái chung nhỏ. Và một chai rượu Pinot Noir, đựng trong hộp gỗ cẩn thận. Chàng không dám cho tôi chai Remy Martin hay Hennessy XO, là những thứ rượu mạnh mà chàng và nhà văn Mai Thảo yêu thích, vì biết tôi không chia sẻ “niềm yêu” ấy. Nhưng chàng cũng nói là mình rất thích hương vị của Pinot Noir và Passion Merlot, những loại rượu vang đỏ được làm bằng các loài nho “quí tộc”, với hương vị nồng nàn và độ say đằm quyến rũ. Như đã nói, chai rượu mà chàng tặng được để trong một hộp đứng dài dùng để đựng rượu, bằng gỗ, của Pháp, rất cổ và đẹp, có quai bằng đồng để cầm, có khóa đồng để đóng lại, và được đánh verni, trang trí với hình vẽ Khải Hoàn Môn của Paris, cùng hình một chai rượu Pháp. Hoa văn trang trí có những chữ Vin de Bordeaux / Paris 1921 / Arc de Triomphe. Chàng nói, “Tặng ông cả rượu lẫn hộp đựng đấy nhé! Có ‘quần áo’ đàng hoàng.” Tôi cám ơn anh và nói nhỏ, “Hai thứ đầu của Tú Xương đây rồi. Thế còn “món” thứ ba đâu?” Rất nhậy, chàng nói ngay, cũng nhỏ và chỉ vừa đủ nghe, “À, cái đó thì tôi không dám ‘mời’ ông!”
Trong khoảng năm, bảy năm trở lại đây, ngoài việc tiếp tục viết loạt bài Thư Gửi Bạn Ta, anh còn có chương trình“Ngày Này Năm Xưa”, “Anh Ngữ trong đời sống” trên đài Little Saigon Radio và Hồn Việt TV, phát thanh, phát hình đủ mọi nơi. Cũng trên Little Saigon Radio, anh còn có chương trình giới thiệu nhạc ngoại quốc nữa.
Các bài viết của Bùi Bảo Trúc trong loạt Thư Gửi Bạn Ta, như tôi đã nói phớt qua ở trên, đã là một chất men quyến rũ rất nhiều người đọc. Người ta đọc nó vì cái chất dí dỏm, hóm hỉnh, đôi khi châm biếm chua cay, sâu sắc về đủ mọi loại đề tài trong cuộc sống con người. Đặc biệt, nó hay xoay quanh các vấn đề về phái tính và chính trị. Nó bay nhảy với các dữ kiện, các ý tưởng, các liên tưởng. Và nó “tung tẩy” với ngôn ngữ. Nhưng luôn luôn đánh đúng mục tiêu. Nó lại gợi cho người ta những hoài niệm, những nostagies về những hình bóng cũ, đặc biệt là những nỗi hoài nhớ quê hương, về một quá khứ “vàng son tơi tả” nhưng cứ dịu dàng tha thiết mãi trong trái tim người.
Có thể lấy đoạn văn sau đây của nhà văn Ngự Thuyết, viết về những bài tạp bút của Thư Gửi Bạn Ta, để thấy được những hình ảnh và tình cảm mà Bùi Bảo Trúc đã gợi lên trong chữ nghĩa của mình:
“(…) Hà Nội thời anh còn thơ ấu, mài đũng quần trên ghế nhà trường Tiểu Học, nhớ lớp học bé nhỏ thì ít mà nhớ cây me, cây sấu, cây hoa phượng, con ve mùa hè, và Hồ Tây xa xôi, thì nhiều. Di cư vào Nam, học Trung Học Chu Văn An, đã có trí khôn, biết bao nhiêu kỷ niệm theo anh suốt đời. Hàng xóm, láng giềng, thầy, bạn, cái giếng, kệ sách, thang gác gỗ ọp ẹp bước lên kêu răng rắc, góc phố, cây trứng cá nở hoa trắng, xe bò viên cạnh rạp xi nê, khô bò, nước mía ở các ngã tư, ngã sáu, đu đủ ướp đá bào, khóm miếng Tân An …, và nhất là những hôm trốn học tay ôm sách, mộng ước đầy hồn, đi lang thang trên những lề đường cũ phủ lá me non, hay đạp xe đạp lượn lui lượn tới trước cổng trường con gái, hoặc chui vào những rạp chiếu bóng thường trực Lê Lợi, Vĩnh Lợi, Đại Đồng, miệng cạp bánh mì, mắt say sưa đuổi theo những chân trời xa lạ.”
Bùi Bảo Trúc là như thế.
“Ngày Này Năm Xưa” được anh dùng để kể lại các sự kiện xảy ra trong lịch sử, vào đúng cái ngày chương trình được phát thanh. Người ta nói là anh có một kiến thức uyên bác. Có lẽ. Nhưng, trong cảm nhận của tôi, cái uyên bác ấy nằm ở trí nhớ của anh, một trí nhớ khá “siêu quần”, ở cái cách anh biết tìm kiếm tài liệu, và, quan trọng hơn, ở lòng yêu thích chính sự tìm kiếm ấy. Cách làm “Ngày Này Năm Xưa” không lạ, và ta cũng có thể tự lục tìm những tài liệu trên Net, trên Google để biết được những điều ấy. Nhưng cái làm cho thính giả theo dõi chính là lối dẫn dắt câu chuyện của anh. Duyên dáng, lịch thiệp, pha với chút nghịch ngợm. Và đầy thân tình. Anh tạo được một cầu nối gần gũi với người nghe. Tạo nên một từ trường đầy lôi cuốn. Giọng nói của anh là một giọng nói ấm áp, trầm và dịu, rất “Bắc kỳ”. Có người nói đó là một giọng nói “Trời cho”. Cái giọng nói ấy nó cuốn hút và tạo sự thân mật. Bùi Bảo Trúc được rất nhiều người yêu thích, đặc biệt là các phụ nữ, có lẽ cũng chính là do, ngoài những tài năng riêng của anh, giọng nói này.
Chương trình “Anh Ngữ trong đời sống” đưa lại những kiến thức khá căn bản, đôi khi tinh tế, về cách sử dụng tiếng Anh trong cuộc sống tại Mỹ. Anh có khả năng từ những từ ngữ, những cách nói trong Anh ngữ, giới thiệu cho người nghe một số nét đặc thù của văn hóa Anh Mỹ, giúp cho những người bình thường thấy được cái tế nhị và phong phú của ngôn ngữ.
Và chương trình giới thiệu nhạc ngoại quốc của anh cũng thật tuyệt. Anh giới thiệu đủ loại nhạc Anh, Pháp, Mỹ, đặc biệt những bản nhạc của thập niên ’60 tại Hoa Kỳ và Pháp. Cách anh dẫn dụ, giới thiệu những bản nhạc. “Hương vị” của những bản nhạc ấy. Ca từ và ngôn ngữ thời đó. Vân vân. Tất cả làm nên một cái nền hoài nhớ, một sự tưởng tiếc vàng son. Một thời. Một đời. Nó làm người ta nhớ lại chính cái tuổi trẻ của mình. Cái nao nức mình. Quả tim mình khi mới lớn. Tình yêu đầu đời. Đường phố. Bạn bè. Nụ hôn đầu. Và tóc ta lúc ấy còn xanh quá, bay bay theo gió. Mặt trời trên cao và hoa lá ở ngay trên đầu. Và mênh mang gió hát. Nó làm người ta nhớ lại tất cả mọi sự.
Cũng phải nói đến những người cùng anh lèo lái các chương trình. Đó là các nữ xướng ngôn viên của đài Little Saigon. Mỗi người một vẻ. Mỗi người một phong cách, một giọng nói. Tất cả đã cùng với Bùi Bảo Trúc làm nên những chương trình thật đáng yêu. Tôi không ngạc nhiên khi nghe nhiều thính giả, đủ mọi lớp tuổi, cả nam và nữ, gọi vào đài tưởng tiếc anh. Rất nhiều người đã không giữ được xúc động. Họ nghẹn ngào, tức tưởi, hay òa khóc, cùng với những xướng ngôn viên, khi nhắc lại những điều anh đã làm được trong các vai trò, các chương trình mà anh thực hiện trên đài. Anh đã đem lại nhiều kiến thức hữu ích, nhiều niềm vui, cũng như một chút hạnh phúc nhỏ giữa đời thường cho rất nhiều người. Mỗi ngày. Và trong bao nhiêu năm trời như thế. Anh đã không thể nói tiếp được một câu nói của mình trong chương trình cuối cùng của anh. Vì định mệnh đột nhiên đã đến. Đó cũng là ngày cuối cùng trong cuộc đời anh. Sự gắn bó của Bùi Bảo Trúc với khán, thính giả và độc giả, qua các phương tiện truyền thông, đặc biệt qua truyền thanh và truyền hình, đã làm cho nhiều người thương tiếc anh. Sự tận tụy trong công việc của Bùi Bảo Trúc, cho đến ngày cuối đời, đã để lại một ấn tượng thiết tha trong lòng họ.
5.
“L’Homme est une passion inutile”. Con người là một đam mê vô ích. J. Paul Sartre đã nói thế. Và nếu đúng như lời Sartre nói, để giản lược hóa phát biểu của triết gia này một chút, tất cả chúng ta đều sống với những đam mê. Mỗi chúng ta đều là một khối đam mê lớn. Vô ích hay không, đó là điều có thể còn được, còn phải tiếp tục tranh luận.
Bùi Bảo Trúc đã sống với những đam mê của mình. Mà đã là đam mê thì thường cực đoan. Anh đã sống nhiều lúc cực đoan như thế. Trong không ít trường hợp. Những cực đoan có khi đưa đến những va chạm xích mích, nhỏ hay lớn, với người này hoặc người nọ, lúc này hay lúc khác. Anh sống với những xác tín của mình, có thể có những lúc chủ quan. Nhưng anh đã sống thiết tha và cương quyết.
Tính là mệnh. Amor fati. Như tính của Thúy Kiều trong Đoạn Trường Tân Thanh/Truyện Kiều chính là định mệnh của nàng. Có những lúc cũng mệt mỏi, BBT đã nói với tôi, “Nhiều khi, sáng dậy, tôi cảm thấy rất nản, muốn buông xuôi, buông bỏ tất cả. Nhưng nghĩ mình còn được thức dậy, nhìn mặt trời lên mỗi ngày, gặp lại bạn bè, làm được một số việc mình thích, tôi lại ngồi dậy mặc quần áo, rửa mặt cạo râu, để bước vào một ngày mới. Mình phải tập kiên trì thôi.”
Tôi nghĩ, như Nietzsche đã trình bày về cuộc “quy hồi vĩnh cửu”(eternal recurrence), BBT bạn tôi hẳn sẽ lại sống như thế, trong mỗi một chi tiết sống của mình, nếu anh có dịp trở lại trần gian trong cuộc “quy hồi vĩnh cửu”, “quy hồi cố quận” kia. Anh chấp nhận cái phận của mình. Và vui vẻ, kiên trì sống với nó. Cho đến hết đời.
Death, be not proud, though some have called thee Mighty and dreadful, for thou art not so; For those whom thou think’st thou dost overthrow Die not, poor Death, nor yet canst thou kill me. (…)
(Hỡi Thần Chết, đừng hãnh diện làm gì, cho dù có những kẻ đã gọi người
Là uy dũng và đáng sợ, vì người chẳng hề là thế;
Bởi lẽ những kẻ mà người nghĩ là đã vật ngã, lật đổ
Chẳng hề chết đi, tội nghiệp cho Thần Chết, và người cũng chẳng thể giết được ta (…)
Là uy dũng và đáng sợ, vì người chẳng hề là thế;
Bởi lẽ những kẻ mà người nghĩ là đã vật ngã, lật đổ
Chẳng hề chết đi, tội nghiệp cho Thần Chết, và người cũng chẳng thể giết được ta (…)
Đó là những câu thơ mở đầu trong bài sonnet thứ X của John Donne, còn được gọi là bài “Death, be not proud” vì câu thơ mở đầu của nó. Tôi nghĩ, nếu có gặp vị thần này, chàng Trúc sẽ cười và nói, “Hey dude, be not proud…” (“Này cái gã kia, mi đừng phởn chí…”).
Trong cái ma-trận (matrix), mà không phải là mê-hồn-trận, của ngôn ngữ và cuộc đời, Bùi Bảo Trúc đã sống hết tâm hồn và thân xác mình. Anh đã gieo, trồng. Và đã hái, gặt. A, mọi sự tân toan trong đời sống này thì chắc cũng như hương vị của một ly Merlot, một ly Pinot Noir thôi. Đắng. Ngọt. Cay. Tê. Nồng. Và đượm. Có đủ cả. Phải không?
Bạn ta, bây giờ, hãy ra đi thanh thản. Với một nụ cười.
“Xin chào nhau giữa con đường. Mùa Xuân phía trước miên trường phía sau” (B.G.)
Hẹn một ngày “quy hồi cố quận”.
Bùi Vĩnh Phúc
28 tháng XII, 2016
Tustin Ranch, Calif.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire