Tìm đọc lại một chủ đề của một người viết có lòng từ xưa , như sau :
.
Tìm văn
Một trong những câu hỏi mà tôi thấy khó trả lời, là khi bị ai đó hỏi rằng tôi thích đọc sách của tác giả nào, hoặc thích văn phong của nhà văn nào. Ngược lại, nếu người ta hỏi tôi chán loại sách nào, hoặc không ưa kiểu văn phong nào, chắc tôi sẽ trả lời ro ro ngay.
Phải chăng vì mình đọc ít, hoặc lười đọc, hoặc khó tính, hoặc “chảnh”, nên mới ra nông nỗi ấy?
Có dễ hơn không, nếu thay vì hỏi nhau thích tác giả nào, người ta hỏi nhau thích loại văn nào? Tuy nhiên, khi người ta muốn tìm văn để đọc, giữa một rừng văn lóa cả mắt, người ta buộc phải lọc ra tên tác giả nào có thể hợp với mình. Vậy là vẫn phải tìm người, trước khi tìm văn.
Tôi đã theo một trình tự như thế: trước tiên tìm người – tức là tìm Nguyễn Ngọc Tư, sau đó mới tìm văn – tức là tìm xem có cái gì hay ho trong cuốn sách kỳ này của chị Tư.
Cầm cuốn tản văn “Gáy người thì lạnh” của Ngọc Tư, đọc đến nửa quyển, mới tìm ra một bài mà mình thấy thú vị, thấy đọc xong có cái gì đó để nhớ, thay vì đọc xong mà hầu hết mọi thứ cứ trôi tuột đi như nửa đầu cuốn sách. Cũng chưa chắc cuốn này Ngọc Tư viết không thành công bằng những cuốn khác. Có khi do lúc này tôi mong đợi tìm thấy cái-gì-khác trong văn, trong khi Ngọc Tư vẫn chưa khác và sẽ chẳng bao giờ khác? Hay có khi do Ngọc Tư lúc này đang cố gắng tìm lại sự giản dị trong văn, theo lời khuyên của ông nào đó (khi ông ta khen ngợi những tác phẩm đầu tay của cô có sự giản dị) – trong khi tôi lại thích Ngọc Tư “dữ” hơn và “phức tạp” hơn?
Bài “Những hạt mầm định kiến” dưới đây, trên blog của Ngọc Tư và trên một số trang web khác đã đăng, với câu kết khác. Có lẽ khi đem bài này in thành sách, tác giả đã sửa lại câu kết. Tôi thích câu kết như trong sách đã in hơn.
( by LòngNhưGió - đt. net )
dangson.fr |
Những hạt mầm định kiến
Vào một ngày mưa gió ủ ê không hiểu sao chị thủ thư mỉm cười nói có mấy cuốn sách này mới về hay lắm. Ngó qua một lượt thì thấy nhiều cuốn của Quỳnh Dao và nhân tướng học. Truyện chị Dao quá sức chịu đựng của mình, riêng nhân tướng học thì mình xếp vào dạng không nên đọc, mình nhìn thấy sự rủi ro xảy ra khi mình có thể ghét bỏ một người nào ngay khi vừa gặp mặt, chỉ vì một nốt ruồi nằm đâu đó trên mặt anh ta. Và mình sẽ day dứt dài dài nếu như vì tướng pháp của chân mày, cái mũi, giọng nói… mà mình quay lưng bỏ đi một nước.
Tướng tùy tâm sinh, tướng tùy tâm diệt, tướng tốt xấu là ở cái tâm con người. Chị thủ thư chắc vừa nghiền ngẫm sách xong, liên hệ với một số thí dụ ngoài đời, rồi khoái chí đọc vanh vách. Cái ý nghĩ ta có thể đọc được người đời cũng khá là hoan lạc. Mình bất ngờ trước việc chị ấy hôm nay nói quá hai mươi âm sắc, đến nỗi chỉ cười cười. Trong lòng mình mầm nghi kỵ mọc đầy, chỉ cần tưới tắm loại tư tưởng tướng pháp này, bảo đảm một phút sau sẽ đâm chồi nảy lộc những thứ thành kiến cuộc đời. Mà, thứ đó mình đã thừa mứa.
Có lần đi xem mắt một người giúp việc giùm bạn, lúc về mình chỉ nhận xét cụt ngủn, “có sơn móng tay”. Bốn chữ đó làm cơ hội làm việc của chị kia vụt tắt. Một người sơn móng tay thì có chịu được lam lũ không, và lam lũ nghèo túng sao lại sơn móng tay, là ý nghĩ bọn mình gặp nhau ở chỗ: sơn móng tay là đặc ân của người nhàn hạ, sao chị ta có thể... Và đôi khi cảm thấy khó khăn khi đối thoại với người có màu son chói, hoặc cổ áo trễ tràng, hoặc giọng nói lanh lảnh cao, hoặc cái cười the thé… mình tự hỏi, cái gì đang ngăn cản, đang che mắt, đang trì níu?
Mà định kiến có đáng tin đâu, nhiều lần nó đã phản bội mình. Gần nhất là đi lạc đường, hỏi một anh hầm hố chằng chịt hình xăm trên người và anh nở nụ cười nhăn nhở nói đi Vĩnh Xương thì đi hướng kia. Mình không tin, chui vào một con đường bị mưa bao phủ, lúc quay lại ngã ba đó ướt như chuột lột, thấy anh nọ vẫn ngồi chéo nguẩy uống cà phê, miệng ứa ra nụ cười ta đây tha thứ cho tha nhân đấy.
Cũng vào quãng hơi gần gần, mình ghét cay ghét đắng chị thủ thư. Ghét muốn bứng muốn nhổ gương mặt nặng chình chịch như đeo cối xay bột kia, ghét cái kiểu cằn nhằn nhấm nhẳng như thể tụi học trò kia nấn ná trong thư viện lâu là để xé sách của chị (giữ) ra nấu cơm, ghét mắt luôn lườm lườm như cả thế gian này là trộm cắp. Cảm giác nếu lấy cành củi khô cọ vào người chị, lập tức củi bốc cháy, chẳng cần bùi nhùi. Mình sẽ nuôi cái sự ghét ấy cho tới hết đời, nếu không kịp trông thấy đôi bàn tay chị (và tự hỏi tại sao trước giờ mình không nhìn thấy đôi tay đó, cái gì che mắt mình đi?). Sách tướng pháp có trang nào viết về tâm tính của một người có đôi tay rướm máu vì bị nước ăn lâu ngày, đôi tay bợt bạt và những móng tay còi cọc thối đen? Mình không đọc loại sách đó, chỉ chắc chắn rằng chị sống vất vả. Thì ra mình đã bỏ phí hai năm trời lui tới mà không biết chị nửa khuya phải dậy ngồi bào bắp chuối đem bỏ mối, kiếm thêm chút tiền phụ thêm khoản lương còm cõi, để nuôi hai đứa em vào đại học. Bốn mươi tuổi vẫn thui thủi đi về, vai không gánh mà oằn, trưa vắng chạnh lòng khi trẻ con qua ngõ để rớt lại những tiếng cười trong trẻo.
Thời của ba má mình, cái sự ghét thương nhau đơn giản là địch - ta, là lễ giáo và những thứ xoay quanh nó. Thời mình ghét dễ, thương khó. Lên mạng thấy những cuộc tranh cãi triền miên, mạt sát triền miên mà ớn. Nào là tôn giáo, sắc tộc đã đành, ghét nhau còn vì người Nam kẻ Bắc, người quê kẻ thị thành. Ghét vì anh yêu máy ảnh hiệu Ca, còn tôi chỉ say đắm Ni. Anh mù quáng mê điện thoại Ai, còn tôi thấy loại đó là thứ khoe mẽ đồng bóng. Vậy là ném nhau bằng mọi ngôn từ bén nhọn nhất. Đến nỗi mình nghĩ ngữ pháp tiếng Việt cần phải đảo ngược, ai của cái gì. Không phải cái gì của ai.
Làm sao đi tới lòng nhau khi mắt bị che tai bị bịt và mũi nghẽn đặc bởi những định kiến vu vơ kiểu vậy. Gò má đó chứng tỏ là chị đó không tốt đâu. Cái kiểu ăn mặc buông thả đó thì cô kia cũng không tử tế đâu. Nói chuyện bỗ bã vậy chắc không phải người có học đâu. Vì một vài chi tiết không thuận mắt, mình gạt họ đi không đắn đo. Người sống lủ khủ ngoài kia, phủi sạch người này mình bắt đầu cuộc tìm kiếm khác, sợ gì.
Một bữa mình thử không phủi nữa, mình trù trừ đứng lại cười với chị thủ thư bảo cái áo hôm nay đẹp, chiều có hẹn với anh nào sao ? Và chị cười đáp trả mình sau bảy lần mình cho cười đi mà không hề nhận lại gì, bảo bữa nay sách mới về kho nhiều lắm.
Những gì in vào mắt, hình như chỉ là bóng của chính nó thôi.
(Nguồn: Tản văn “Gáy người thì lạnh”, Nguyễn Ngọc Tư, NXB Trẻ)
T.B. Trân thong thả bứt tóc bứt tai cho kỹ, vì đọc văn của ông ấy mà muốn hiểu cho được cái hay ho, là phải đọc kỹ.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire