mardi 29 avril 2014

** NGÔN TỪ

.






Theo một đường dẫn, tôi đọc được một bài viết hay . Đặc biệt .


Xin được tải lại để có thể viết sau đó :






oOo




" Chẳng lẽ phải có luật bản quyền phong cách ?




Có lẽ với những người chăm đọc, chăm viết, hoặc đơn giản là quan tâm tới văn học, thì việc đạo văn đã là một vấn đề gây khó chịu suốt bao lâu nay, đặc biệt là với văn học mạng thì lại càng phức tạp. Bây giờ, người ta không đạo nguyên bài, nguyên đoạn, nguyên câu nhận xét như ngày xưa nữa, những “người cầm bút chưa tạo được phong cách của mình” đã tinh tế hơn trong việc “mượn ý tưởng của người khác”. Đó đôi khi chỉ là “mượn” 1 từ.


Vâng. Chính xác là MỘT từ.


Bạn có thể ngạc nhiên và bất bình. Tiếng Việt của chúng ta được các tổ tiên từ xa xưa đặt nền móng hình thành mà phát triển, là thuộc sở hữu của tất cả mọi người, đâu riêng ai. Từ ngữ cũng tự thế mà được sinh ra trong quá trình sinh hoạt, trao đổi ngôn ngữ giữa cộng đồng, vậy hẳn nhiên là ai cũng được dùng, ai cũng có thể đem vào tác phẩm của mình, vậy tại sao lại có thể loại “đạo MỘT từ”?


Đúng là thế các bạn ạ. Tiếng Việt chẳng của riêng ai. Từ ngữ chẳng của riêng ai. Nhưng cách sử dụng từ ngữ thì lại có.


Từ Tiếng Việt của chúng ta có một đặc điểm là, có thể biến chuyển rất nhiều nghĩa, cùng một từ có thể sử dụng ở nhiều vị trí khác nhau trong câu, diễn đạt được nhiều cảm xúc, trạng thái, hiện tượng khác nhau. Đó là tùy vào khả năng, cách tiếp nhận và ngụ ý của người viết. Vậy nên Tiếng Việt luôn được làm mới, biến hóa, mở rộng dưới ngòi bút của các tác giả. Như chúng ta học văn đã biết nhiều đến cách miêu tả chuyển đổi cảm xúc, những vế so sánh độc đáo,… là biểu hiện phong phú của từ ngữ.


Có những từ/cụm từ vì được sáng tạo “đặc biệt” nên trở thành “nhãn tự” của tác phẩm, hoặc trở thành phong cách riêng của người viết, chỉ có thể xuất hiện trong tác phẩm của người đó mà thôi. Ví dụ như, chỉ có Huy Cận mới có “trời lên sâu chót vót”, chỉ có Xuân Diệu mới có “tuần tháng mật”, chỉ có Thảo Dương Kẻ lãng du mới có dùng tính từ “miên miên”, chỉ có Bích Hà mới có “Em, người con gái vô hạn”, chỉ có Kawa Thiên Chân mới có “những ngày lấp lánh”. Lúc này, những cách dùng từ đặc biệt như thế không thuộc sở hữu của chung kho tàng ngôn ngữ cộng đồng nữa, mà trở thành tài sản riêng của người sáng tạo ra.


Quay trở lại với chuyện đạo văn, quả thực, nói những người “mượn 1 từ” là “đạo” thì hơi quá, có lẽ, nhiều trong số họ chỉ đơn giản là bị ảnh hưởng bởi lối viết của tác giả, ảnh hưởng một một từ đặc biệt gây ấn tượng nào đó. Nhưng có lẽ, họ đã thực sự không hiểu bản chất của sự việc.


Để có một từ/cụm từ hay, độc đáo, mang nhiều ý nghĩa, thì tác giả phải bỏ ra nhiều chất xám suy nghĩ lựa chọn, sử dụng cái mà người ta vẫn hay gọi là “kĩ năng điều khiển các con chữ”. Và “nhãn tự” đó thì có khả năng tượng thanh, tượng hình một cách ấn tượng, thể hiện một cảm xúc đặc biệt hoặc là tạo dấu ấn khó phai cho tác phẩm của tác giả. Cũng đôi khi, đó là những từ quen thuộc nhưng được người viết sử dụng khác đi. Tôi biết có nhiều tác phẩm, khi đọc xong, người ta chỉ để lại trong lòng đúng 1 từ/cụm cừ, và sẽ không bao giờ quên từ/cụm từ đó là thể hiện của tác giả nào.


Có thể nhiều người sẽ “biện minh” là không phải có ý “mượn”, mà là đọc tác phẩm của ai đó, bị “nhập” một từ đặc biệt nào đó, và vô tình sử dụng nó trong tác phẩm của mình. Thực ra, như đã nói, có những từ/cụm từ “cộp mác” của riêng một ai đó, nên khi viết nó ra, nếu bạn đã từng đọc bài viết của người đó, chắc chắn bạn sẽ liên tưởng ngay tới họ. Còn nếu không, nếu bạn thực sự hiểu nó theo một cách khác và dùng nó theo cách của bạn, thì không phải là “mượn” nữa rồi, từ đó là của bạn. Như từ “bản thể”, trong các tùy bút/fic của Kawa, nó để chỉ một nhân cách cụ thể nào đó tồn tại trong một thể xác, và “bản thể” đó là bất biến, mỗi giờ phút trôi qua, trong bạn là mỗi bản thể khác nhau, và như thế, trong cuộc đời mình, con người có hàng tỉ “bản thể”. Còn dưới ngòi bút của Đan Đan, nó để miêu tả “cái riêng biệt, tính cách riêng” của mỗi người (có lần bạn ấy tâm sự là bạn ấy dùng từ này vài lần nhưng cảm thấy không thích hợp cho lắm , nên không dùng nữa).


Cách dùng từ là một thói quen, xuất phát từ tính cách, bút lực, cách cảm nhận của mỗi người, có người thường dùng từ ngữ hoa mĩ, có người lại viết chân phương thôi. Từ đó mà tạo nên phong cách của mình.


Mà bạn “mượn” từ đặc biệt thể hiện phong cách của người khác, không phải là đã “mượn” phong cách của người ta hay sao?


Chẳng lẽ phải có luật bản quyền cho phong cách?


Phải nói gay gắt như thế là bởi vì hãy thử đặt mình ở vị trí người sáng tác. Một từ mình dùng cả tâm hồn để cảm nhận, để đặt nó vào trường ngôn ngữ của mình sao cho thật hay, thật ấn tượng, thật giàu cảm xúc, mà cuối cùng lại bị một ai đó khác bê vào văn của họ một cách khập khiễng. Ở đây tôi chưa nói là người ta viết có hay có sâu sắc hay không, nhưng từ /cụm từ không phải do mình sáng tạo ra, không hiểu được hết các lớp nghĩa của nó, mà cứ cố ép nó vào với những từ ngữ khác của mình, thì sẽ bị lệch tông, bị lạo nhạo, như con mèo giữa bầy chó vậy đó. Và như vậy không phải đang làm giảm độ hay, độ tinh tế của từ hay sao?


Bạn tin hay không cũng được, nhưng những gì bạn viết ra có “mùi” của bạn đấy. Nó lưu hương trong từng con chữ, từng dấu câu. Và chắc chắn là chả ai muốn bài viết của mình lại có “mùi” của người khác rồi.


Văn hóa đọc-viết giờ đây chủ yếu là dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng tác phẩm và tác giả của nó, cũng như đang tôn trọng chính mình. Bạn cẩn thận đề tên mình dưới bài viết khi post lên bất cứ đâu, thì cũng nên cẩn thận đề tên tác giả của tất cả những gì mình post không phải là của mình. Hoặc, đơn giản là đôi dòng chia sẻ ở phần Author note, nói cho người đọc biết là bạn đã mượn cái gì đó của ai đó (tốt hơn nữa là đã được xin phép tác giả). Tất nhiên cũng phải nói là chuyện “ý tưởng lớn gặp nhau” thì không hẳn là không có, nhưng trường hợp này CỰC KÌ hiếm, và phải chắc chắn là 2 người viết chưa hề đọc và bị ảnh hưởng bởi nhau, và cho dù có trùng hợp đi chăng nữa, thì phong cách riêng cụ thể của mỗi người vẫn được bộc lộ rõ nét. (Vì chuyện bị ảnh hưởng đến mức dùng cả từ ngữ và cách nói của người khác thì chỉ gặp ở những người chưa tìm được phong cách cho riêng mình mà thôi).


Cuối cùng là một vài điều muốn chia sẻ.


Việc tìm được cho mình một phong cách riêng, một lối viết không trùng lặp với ai khác, không phải chuyện dễ. Nó đòi hỏi sự rèn luyện bút lực chăm chỉ, sức sáng tạo hoạt động thường xuyên, và thái độ nghiêm túc với viết lách. Còn nếu bạn không phải là người gắn với văn chương hay có ý định lâu dài với bút giấy, mà chỉ là muốn viết để giải tỏa tâm trạng nhất thời, để lưu lại một cảm xúc đặc biệt, để kể cho mọi người một sự kiện trong cuộc sống (như viết blog, nhật kí, thư, …. hay thậm chí là status của yahoo, facebook,…), thì không cần để ý quá nhiều đến câu chữ. Cứ để ngòi bút của mình được tự do mà viết, mà bộc lộ, nghĩ được cái gì viết ra cái đấy, rồi sau đó chỉnh sửa lại một chút cho hợp lí. Không cần quá trau chuốt, dùng những từ ngữ nặng nề hay ép những từ nào đó của ai đó vào tâm sự chân thật của mình để làm nó “có cảm giác” văn vẻ, sâu sắc; không cần cố gắng bắt hình ảnh của một ai đó để làm mình tinh tế hơn. Bao giờ cũng thế, là chính mình luôn đáng được trân trọng nhất .






by Thiên Chân.





* Nguồn từ Blog mang tên Khiết .- 27/08/ 2010





* __________________________________________________ _____





Khi đọc xong,bài ấy, ý của bạn ra sao ? Bạn đồng ý hay không đồng lòng ?








Bây giờ, đến phiên tôi viết :










....



' Bản Quyền Phong Cách ' là một lối viết tâm tình loại chơi chữ của tác giả Thiên Chân và khi đọc, thấy thú vị vì cách diễn đặt rất sáng, rất tỏ - chứng tỏ được cung cách điều khiển con chữ của riêng mình .




Ở bài viết ấy, tôi đoán được hành trình viết của tác giả ( năm tháng để đứng vững trên một cách lý luận và biện luận )






Chữ Đạo Văn - Đạo Từ nghe rất khó chịu . Và tôi không rõ là từ lúc nào đã có chữ " Đạo " quá lịch sự như thế ? Sao không dùng chữ Cõng Bài hoặc là Ăn Cắp khi nói về những tay đạo chích chuyên môn ăn cắp các tác phẩm rồi tải đăng và ký tên của mình vào thay vì đề tên tác giả ?






Ở văn học, nghệ thuật, khi nói về chuyện sáng tác thì không ít thì nhiều,người đi sau sẽ có phần nào " bị ảnh hưởng " bởi những người đi trước . Bạn có chắc chắn là khi chụp ảnh, khi vẽ tranh hoặc khi ca hát, sáng tác thơ, nhạc, sáng tác văn chương là bạn không hề chịu ảnh hưởng ( trực tiếp hay là gián tiếp ) b
i những khuôn mẫu đã có từ trước đây ?






Câu hỏi khác :






- Có khi nào nghe một giọng hát mới, bạn ngờ ngợ, tự hỏi là giọng hát này hơi giống một vào tiếng hát khác đã thành danh ? Giống ở chỗ lấy hơi, luyến láy, cách đặt giọng , cách chọn bài hát ........?






- Là một người sáng tác âm nhạc, khi bạn có thần tượng là Elvis Presley, Beegees hoặc là ai đó của thị trường âm nhạc Việt, bạn sẽ viết ra sao để không là kẻ vô tình hoặc cố ý nhại lại và bị người thưởng thức chê là đã copy, nhại lại ý tưởng ?






Điều vừa hỏi, vừa kể trên thuộc về style - phong cách - sáng tác . Ta có thể mượn một ý tưởng lấy đó làm cảm hứng để sáng tác - nhưng làm cách nào để đứa con tinh thần phải có chữ ký đặc biệt của mình .






Tâm trạng buồn bã hoặc hưng phấn của mình ra sao khi đặt bút, khi gõ trên phím chữ sau khi đọc được một bài viết sâu sắc . Thứ " tận cùng " của mình ra sao để sẽ không giống y hệt thứ " tận cùng sâu thẵm " của kẻ khác ?






Có phải là khi nói đến giọt mưa thì có nghĩa là giọt nào cũng giống giọt nào ? Ở một câu thơ, một bài viết, giọt mưa của kẻ kia có thể là những giọt lệ có trọng lực riêng của bút lực . Ta sẽ viết về giọt mưa ( lệ ) của mình ra sao để không hề giống và có cái riêng của mình  ?








Bây giờ, tôi thử tặng bạn một cơn mưa kiểu riêng - rất riêng - của tôi như một cách sẻ chia :









... ĐỊA CHỈ ( ở dưới gầm giường )









Nhỏ giật mình thức dậy vì có cảm giác rất lạnh . Từ ngọn đèn lờ mờ ở góc tường, nhỏ phác giác là cách cửa sổ đã mở toang từ lúc chiều khi Nhỏ ngủ thiếp đi .






Bây giờ là 12 giờ khuya . Mưa đang ồ ạt rơi . Nhỏ nhớ lại giấc mơ , Nhỏ đã thấy mình là một văn sĩ để viết những chuyện tình rất đẹp , trong giấc mơ ấy, Nhỏ đã có đôi cánh như một thiên thần bay bổng . Bây giờ, rớt xuống đất để rời cơn mơ đẹp . Nhỏ sỏ chân vào dép, tìm ly nước và ngồi vào bàn viết ( Người ta hay nói để viết văn cho ra hồn thì nên viết vào một khoảng vắng lặng nhất : Buổi khuya )





Nhỏ sửa soạn giấy bút, Nhỏ không hút thuốc khi viết, chỉ thèm một ly cà phê để lấy hứng . Vậy thì đi pha ly cà phê ít đường . Nhỏ trở lại bàn để đặt cho bài viết một cái tựa rất ấn tượng : " Địa Chỉ ở dưới gầm giường " vì nghĩ rằng có cái tựa kinh hoàng như thế thì sẽ thu hút được nhiều người đọc mình . 








Ngồi nghe mưa bên ngoài, nhâm nhi cà phê để viết lách hẳn là cái thú . Viết được vài dòng thì Nhỏ bị khựng ý . Nhỏ loay hoay, ấn ngón tay vào phím chữ tìm bài đọc ở net để tìm thêm ý tưởng .




Nhỏ không muốn học trò đạo văn, đạo thơ của ai hết nhưng càng đọc, nhỏ càng lẩn quẩn và bí chữ .




Phải làm sao đây ? Chẳng nhẽ bỏ bài viết để làm thơ tình, thơ đời ? Chao ơi ! Làm nhà văn khó quá ! Nhà văn viết gì giữa tiếng mưa rơi đang lạnh lùng với tiếng gió .








Hình như giữa giọng mưa đang hát, Nhỏ nghe thấy tiếng những con ểnh ương hay là tiếng con ếch đang lẻ loi đi tìm bạn nào đó.






Nhỏ rơi nước mắt . Hình như có một giọt lệ rơi tòm xuống ly cà phê . Xô ghế, tóm tờ giấy, tóm cây bút ném xuống gầm giường, nhỏ bay lên giường trùm chăn kín mít .Ở mùi hương tóc, nhỏ nói thầm thầm : Ngày mai, rồi sẽ viết . Viết về một giấc mơ rất nhỏ .





đăng sơn.fr





dangsonfr.blogspot.com

































     

Aucun commentaire: