vendredi 25 novembre 2016

*****

<




Chuyện Nhỏ và Chuyện LỚN  ---



______________________________________________




Chuyện tị nạn giữa thủ đô tị nạn

Posted by adminbasam on 26/11/2016
Trương Duy Nhất
25-11-2016

Tị nạn, không tị nạn


Không hiểu sao, ai cũng nghĩ mình tị nạn. Từ hôm ở DC đã vậy. Qua Cali càng hỏi tợn hơn. Tội, nhiều người còn thẳng thừng “bước đầu khó khăn, có gì cứ nói, mỗi người xúm giúp một tí”. Có quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng tưởng vậy khi hỏi tôi “Anh qua đây sống vùng nào?”. 
Thấy cái tình của bà con mà cảm động. Nhiều người, xa lạ đấy, đã gặp biết gì đâu, vậy mà quan tâm lo lắng như thể thiết thân, còn hơn ruột rà.
Cảm động. Nhưng đấy không phải là cách mình lựa chọn. Nếu chọn đi, có lẽ tôi đã rời ngay từ trước khi… kết thúc điều tra. Không hiểu sao khi ở B14, đến 3 lần khi lấy cung gã điều tra viên hỏi “anh Nhất có ý định ra nước ngoài…?”. Lần đầu, tưởng hắn đùa khích mình, tôi ngơ không nói gì. Lần sau vẫn câu ấy, tức khí đưa ngón tay trỏ di di qua lại trên trán “Hình như trong cái đầu tôi chưa bao giờ, dù chỉ manh nha một… ý tưởng thế!”. Xong, chỉ tiếp vào thằng đang hỏi “Nếu có, tôi nghĩ tìm ngay trong chính lực lượng của các anh!”.
Ra tù, nghe vợ con kể: 2 lần, người của Đại sứ Mỹ điện thoại nêu nhã ý muốn gặp trực tiếp để thăm hỏi và… “trao đổi”. Chẳng biết thực hư gì, nhưng khi ấy tôi và gia đình chọn cách im lặng, tránh tiếp xúc.
Tuần đầu ở Toronto (Canada), Phạm Ngọc Cương cũng dặm “Em hỏi thật anh nhé, anh nghiêm túc suy nghĩ đi. Nếu chọn ở lại, sáng mai em chở lên Ottawa, vào Bộ Ngoại giao”. Thương Cương quá, chỉ cười “cậu tha cho tớ về, lâu lâu có tiền mua cho cặp vé cho tớ bay qua nhậu trận chơi, vậy sướng rồi!”.
Mỗi người một chọn lựa. Thậm chí nhiều khi không thể, và không có quyền lựa chọn. Như Điếu Cày đấy, anh có chịu ký tá gì đâu nhưng vẫn bị tống ra sân bay đẩy đi. 
Và nhiều trường hợp khác, trước anh. Hoặc như Trần Huỳnh Duy Thức bây giờ.
Đi hay ở lại, đều là những chọn lựa khó khăn và đau đớn. 
h1Nguồn ảnh: Trương Duy Nhất
Đến Bolsa, tránh điều gì?
Điếu Cày đón tôi về “nhà”. Một góc phố nhỏ, giữa trung tâm “thủ đô tị nạn” Little Sài Gòn. Cái phòng trọ chỉ đủ kê vỏn vẹn một chiếc giường, cái kệ chén bát và một chiếc bàn viết xộc xệch. Thương anh quá!
Điếu Cày hiểu tôi, nên chẳng cần dặn nhiều. Nhưng quá nhiều người lo cho mình. Trăm sự, bởi ai cũng nghĩ Trương Duy Nhất sang tị nạn. Đến lúc biết tôi qua Mỹ chỉ để chơi, no tị nạn, lại càng thương và đâm… sợ cho tôi. Sợ khó khăn khi trở về, nên nhiều người khuyên “Về Bolsa, ông nhớ tránh 3 điều: tránh cờ vàng, không dùng từ “giải phóng”, và đừng đụng Việt Tân”.
Thật tình, ngay từ khi qua Mỹ những lần trước, khi vẫn còn mang cái thẻ nhà báo quốc doanh, tôi đã về ngủ với… cờ vàng. Ơ. Họ cũng là người Việt. Đỏ – vàng chi cũng Việt. Sao phải tránh? Sử là vậy. Thắng thua hay vàng đỏ chi vẫn là lịch sử. Và như thế mới là sử. Vì thế, tôi đếch ngại điều này. Mỗi người một chọn lựa. Và tôi tôn trọng họ. Muốn người ta tôn trọng mình thì mình cũng phải biết tôn trọng họ. Với tôi, đỏ vàng – vàng đỏ chi cũng là sử Việt. Rồi cũng phải đến lúc nhìn lại một cách công tâm về từng thời giá trị của tất cả các loại cờ quạt, cho dù vàng hay đỏ. Dù sao, đó cũng là một thể chế thực tồn tại mấy chục năm trên nước Việt. Là thực tế một thời của nửa phần nước Việt đấy thôi!
Còn chữ “giải phóng”, có lẽ nhiều người đụng, riêng tôi khó. Hôm ở DC, nhiều người đã ngạc nhiên khi thấy tôi viết câu này, sau cuộc gặp với ngài Dan Southerland, Phó tổng giám đốc chương trình Đài Á châu tự do (RFA):
“… Ông là cựu phóng viên chiến trường Việt Nam. Một trong nhóm ký giả ngoại quốc cuối cùng còn ở lại, chứng kiến sự kiện Sài Gòn 30/4/1975”.
Tôi không dùng chữ “giải phóng”, cũng không dùng cách gọi “giờ phút cuối cùng của chính quyền Sài Gòn”. Tôi viết, đó là “sự kiện Sài Gòn 30/4/1975”. Bởi thắng thua gì, đỏ vàng chi cũng là lịch sử. Đó là sự kiện lịch sử chung của cả hai phía, của người Việt. Lịch sử, đâu phải riêng của phe nào.
Với Việt Tân. Thật tình suốt 36 ngày ở Mỹ, không thấy một “đồng chí” Việt Tân nào chào hỏi, mời hẹn gì. Tiếc là không thấy, nếu có cớ sao lại phải chối từ? Ai ngại, với tôi không! Cứ cho là họ khác ta, thậm chí chống ta, sao không một lần ngồi xuống cùng họ, nghe họ nói gì, họ nghĩ sao? 
Sinh thời, ông Thanh (Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính trung ương, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng – có lần thổ lộ với tôi rằng: Mình mà có quyền, sẽ mời hết tất tật các tổ nhóm chống đối, phản động chi đó ở hải ngoại. Chừng mươi hoặc vài mươi nhóm chứ mấy. Mời hết về, ngồi…  nhậu với nhau đàng hoàng, nghe xem họ phản đối cái gì, chống cái chi? Làm được chứ, tại sao không?
Cũng như cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt: Có hàng trăm con đường yêu nước khác nhau. Tổ quốc Việt Nam đâu phải của riêng đảng Cộng sản, hay một phe phái, tôn giáo nào…
Vậy thì hà cớ gì cứ Việt Cộng – Việt Tân gây thù chuốc oán?
Đúng ra, tôi suýt gặp Việt Tân một lần. Hôm ở DC, lên xe chạy một đoạn rồi mới nghe cô lái xe bảo “anh Lý Thái Hùng, Tổng Bí thư Việt Tân điện, nói định chào anh Nhất một tiếng mà anh đi nhanh quá”. Thì ra, tôi và Tổng Bí thư Việt Tân suýt gặp nhau. Cũng hơi… tiếc! Cho dù cũng chưa hề gặp, chưa biết Lý Thái Hùng là ai.
Thực ra, giữa phố Bolsa ấy, tôi cũng chả biết ai là Việt Tân, ai Việt Cộng? Nghe nói bên ấy, Việt Cộng cũng đầy!
Mà biết để làm gì nhỉ? Bởi với tôi, Cộng cũng như Tân. Hơn nửa thế kỷ sống cùng Cộng sản. Bố tôi là Cộng sản. Nhưng tôi có Cộng sản đâu. Không Việt Cộng, cũng chẳng Việt Tân. Vì thế, tôi ngồi được tất. Cộng – Tân gì, nhậu tốt cả.
Bolsa, với tôi, là đến với người Việt. Thoải mái vậy thôi, như anh bạn đồng nghiệp của tôi ở nhật báo Người Việt cười vui rằng: Chẳng khác chi ở nhà, đến nỗi hơn bốn chục năm rồi, mình chỉ sài tiếng Anh khi… ra khỏi nước Mỹ!
Giản đơn vậy. Và cũng nhẹ nhõm vậy thôi. Chẳng ai dại chi, khoác trên mình cái áo váy đỏ lòm như nhà cậu Hùng Cửu Long kia đòi “hoà hợp hoá giải” giữa phố Bolsa. Có lẽ, sau sự kiện này, ngoài 3 điều tránh như trên, sẽ phải thêm một điều tránh thứ tư nữa: tránh mặc áo (váy) màu đỏ sao vàng tới phố Bolsa. “Ka ka ka” (nhại lời cậu Hùng Cửu Long tưng tửng), nhưng chớ “hoà hợp hoà giải” kiểu ai – nớp – du ku ku thế mà ăn đòn khổ thân.

***

  Chuyện KHÁC  :



Tình hình đất nước hôm nay và ngày mai ra sao qua suy tư của một trí thức Việt Nam ở Nhật Bản

Posted by adminbasam on 24/11/2016
Trần Phong Vũ
24-11-2016
GS Trần Văn Thọ. Ảnh: internet
GS Trần Văn Thọ. Ảnh: internet
Một người bà con vừa chuyển cho tôi bài viết có tiêu để Việt Nam: Giấc mơ thành quốc gia thượng đẳng do giáo sư Trần Đình Thọ hiện giảng dạy tại đại học Waseda, Nhật Bản chấp bút.
Sau khi nêu lên chi tiết đứa bé Việt Nam thứ 90 triệu ra đời tháng 11 năm 2013 với dự kiến 10 năm nữa dân số nước ta sẽ đạt tới con số ngót trăm triệu, tác giả nhắc tới nét đặc thù thống nhất về ngôn ngữ, văn hóa của dân Việt trong khi đất nước lại nằm giữa một vùng phát triển năng động và nêu lên câu hỏi: “Với tiềm năng như vậy, chúng ta có thể hy vọng đất nước mình vươn lên thành một quốc gia giàu mạnh không?”
Ông tự trả lời: “Chắc chắn tuyệt đại đa số người Việt Nam đều có mong ước đó”.
Để mong ước đó trở thành hiện thực, từ xứ Phù Tang nhìn về đất nước, GS Thọ nêu lên những điều kiện tất yếu gói ghém trong một loạt những từ “Lẽ ra”:
– Lẽ ra trong nước phải dấy lên một phong trào bàn luận sôi nổi về vị trí của Việt Nam hiện nay và triển vọng về một tương lai dài hạn.
– Lẽ ra lãnh đạo trong nước phải kêu gọi trí thức trong và ngoài nước nghiên cứu, bàn luận để đưa ra được tầm nhìn có căn cứ khoa học về tương lai.
– Lẽ ra lãnh đạo phải tạo sự tin tưởng cho dân chúng, khuyến khích người dân nỗ lực hướng vào mục tiêu được xã hội đồng thuận. 
Thực tế sau hơn 40 năm xua quân xâm chiếm miền nam, gọi là để thông nhất đất nước, “những kẻ thắng cuộc” chỉ khư khư bám lấy chủ nghĩa cộng sản lỗi thời, hoang tưởng, không hề làm bất cứ điều gì mà lẽ ra một chính quyền của dân, do dân và vì dân phải làm như mong ước của tác giả bài viết trên đây.
Cùng chung cảnh ngộ, các lân bang đã làm gì cho nước họ?
GS Trần Đình Thọ viết:
Nhìn quanh thế giới, xưa cũng như nay, nước nào có lãnh đạo và trí thức quan tâm về tương lai đất nước và đưa ra được mục tiêu có căn cứ khoa học và hợp với giấc mơ của tuyệt đại đa số dân chúng thì sau đó phát triển nhanh, chuyển hoán hẳn vị trí của đất nước mình trên bản đồ thế giới.”
Nói có sách mách có chứng, tác giả đan cử trường hợp những quốc gia trong vùng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nam Dương v.v… Nhờ thể chế chính trị thông thoáng, tự do, chỉ trong một thời gian tương đối ngắn, tất cả nhân dân và giới lãnh đạo các quốc gia này  đã đưa đất nước và dân tộc họ từ vị trí chiến bại (như Nhật Bản) hoặc yếu kém, chậm phát triển (như Nam Hàn, Nam Dương) trở thành những quốc gia tiên tiến về mọi phương diện. Tất cả những nước này đều nhất trí học tập và cải cách đất nước họ dựa theo văn hóa, văn minh Phương Tây[1]trong khi vẫn duy trì truyền thống dân tộc mình.
Đề cập Hàn Quốc, một đất nước từng bị chiến tranh tàn phá và cùng trong cảnh ngộ bị chia đôi như Việt Nam, tác giả nhận định.
“Lãnh đạo Hàn Quốc vào đầu thập niên 1960, với tinh thần dân tộc cao độ, đã đưa ra quyết tâm thoát khỏi vị trí thấp kém của đất nước, đặt ra phương châm học tập Nhật, Mỹ, trọng dụng nhân tài, tổ chức bộ máy hiệu suất để vạch ra chiến lược và thực hiện chiến lược phát triển. Và họ đã thành công”.
Giáo sư Thọ cho rằng cung cách biểu thị ý chí, tinh thần tự hào dân tộc của nhân dân và giới lãnh đạo Hàn Quốc thể hiện qua dịp đăng cai tổ chức Hội Nghị G20 gồm 20 nước có vị trí quan trọng nhất thế giới vào năm 2011 bằng việc vận động dân chúng ý thức hơn nữa khả năng của dân tộc mình, quyết tâm vươn lên ngang hàng các nước tiên tiếnHọ đưa ra các mục tiêu như “đồng hành cùng thế giới để trở thành quốc gia được thế giới kính trọng”, “tiến vào trung tâm của thế giới”.
Nhờ vậy, ngày nay Nam Hàn đã nghiễm nhiên trở thành một trong 7 nước tiến bộ và giàu mạnh nhất thế giới. Riêng với Á Châu, Hàn Quốc chỉ đứng sau Nhật Bản.
Còn Việt Nam hiện nay và tương lai ra sao?
Nhìn về đất nước chúng ta, GS họ Trần nêu câu hỏi.
“Việt Nam hiện nay đang ở đâu trên bản đồ kinh tế thế giới?”
Qua tài liệu có được trong tầm tay, ông cho hay: Về dân số Việt Nam xếp thứ 13. Về trình độ phát triển, theo tác giả, phải xét trên nhiều tiêu chí khác nhau. Tiêu chí tổng hợp nhất là thu nhập đầu người. Về tiêu chí nầy, tuy đã đạt được một vài tiến bộ, nhìn chung, dưới chế độ cộng sản, nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Vào năm 2012, thu nhập (GDP) đầu người của Việt Nam là 1.750 USD, xếp thứ 140 trong gần 200 nước lớn nhỏ trên thế giới. Vì dân số tương đối đông nên vị trí của GDP (năm 2012 là 157 tỉ USD) cao hơn nhưng cũng chỉ ở hạng 58. Tại vùng Đông Á hiện nay, GDP đầu người của Việt Nam được coi là quá khiêm tốn, chỉ cao hơn Cambodia, Lào và Myanmar (Miến Điện). 
Nhìn sâu vào những nét đặc thù khác, tác giả không giấu được tâm trạng buồn phiền, bi quan khi nêu lên con số 90 ngàn người Việt Nam có mặt ở Hàn Quốc, trong số khoảng 30 ngàn là phụ nữ ở dạng cô dâu, còn lại 60 ngàn là lao động theo dạng xuất khẩu và vài ngàn sinh viên. Trong khi ấy, tại Việt Nam người Hàn Quốc cũng có con số tương đương phỏng trên dưới 9 chục ngàn. Tuy nhiên, sự hiện diện của họ hoàn toàn khác hẳn. Hấu hết họ là những chuyên gia, trí thức qua Việt Nam chủ yếu làm quản lý, làm chủ doanh nghiệp, hành nghề y sĩ hoặc thuộc thành phần giáo sư đại học.
Nói chung đây là sự giao lưu về lao động giữa hai nước đang có sự nghịch thường, bất tương xứng mà ông cho rằng “không mấy danh dự cho người Việt Nam”.
Tác giả nêu câu hỏi cho giới lãnh đạo trong nước là không hiểu họ có cảm thấy động tâm, có băn khoăn thao thức về hiện tượng đáng xấu hổ này không? Và họ sẽ trả lời ra sao cho dân chúng về câu hỏi là bao giờ Việt Nam sẽ theo kịp Hàn Quốc để xóa đi sự bất bình đẳng trong quan hệ lao động không tương xứng hiện nay? 
Nhìn lại thời gian từ khi đất nước thống nhất đến nay đã 40 năm, GS Trần Đình Thọ nhận đĩnh: Nếu so với tình trạng thiếu ăn trong khoảng 10 năm đầu và còn tới 70% dân số thuộc hộ nghèo vào cuối thập niên 1980 thì tình hình hiện nay tương đối đã cải thiện. Nhưng để có được sự cải thiện đó Việt Nam đã mất quá nhiều thời gian, và như ta đã thấy vị trí hiện nay của nước ta trên vũ đài thế giới vẫn còn quá thấp. So với Hàn Quốc lúc chấm dứt chiến tranh năm 1953 vẫn còn là một trong những nước nghèo nhất thế giới, nhiều người dân phải gọt vỏ thông luộc ăn cho đỡ đói. Nhưng chỉ 43 năm sau họ phát triển thành nước thu nhập cao và với những cố gắng không ngừng, không bao lâu đất nước này đã trở thành hội viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), thường được mệnh danh là câu lạc bộ của các nước giàu.
Nhìn về tương lai, Việt Nam sẽ ra sao?
Căn cứ vào dự kiến qua các thống kê, GS họ Trần cho hay, từ nay đến năm 2030, Việt Nam phát triển trung bình 7,2%, và GDP vào năm 2030 là 416 tỉ USD. Tuy thế vẫn chỉ bằng 40% GDP của nước láng giềng Thái Lan, 17% của Indonesia nhỏ hơn Malaysia và Philippines và dĩ nhiên thua xa Hàn Quốc. Dự báo nầy dựa trên tiền đề là Việt Nam vẫn giữ nguyên thể chế, vẫn tiếp tục xếp hàng quy phục đàn anh cộng sản Bắc Kinh. Nêu lên chi tiết này, tuy không nói ra nhưng rõ ràng tác giả ngầm hy vọng giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam sẽ sáng mắt thấy được vấn đề để dám can đảm thay đổi thế chế, nếu không đất nước sẽ không bao giờ tìm được lối ra để thênh thang bước theo các quốc gia trong vùng sánh vai cùng thế giới
Vài suy nghĩ của người viết
Trên đây là tóm lược nhận định của GS Trần Đình Thọ hiện giảng dạy tại đại học Waseda, Nhật Bản trong bài viết bàn về hiện tại và dự phóng tương lai Việt Nam. Điều cần ghi nhận là ông viết bài này từ năm 2014. Và như thế cho thấy niềm thao thức và khát vọng của ông gửi vào bài viết không tạo được một ảnh hưởng nào đối với hệ thống cầm quyền cộng sản trong nước suốt hai năm qua. Mọi sự chỉ càng ngày càng tệ hơn!
Cho dẫu trên thực tế cái gọi là chủ nghĩa Mác-xít/Lê-nin-nít đã biến dạng thành một thứ chủ nghĩa tư bản hoang dã trên quê hương ta, nhưng tập đoàn Ba Đình vẫn tiếp tục dương cao khẩu hiệu kiên trì trung thành với tư tưởng Hồ/Mao, vẫn quyết tâm xử dụng lực lượng vũ trang trong quân đội, cảnh sát, an ninh vào việc bảo vệ đảng và hệ thống cầm quyền, tiếp tục đàn áp, khủng bố những người yêu nước, thay vì chiến đấu bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và an sinh cho nhân dân.
Nói cách khác, họ vẫn duy trì một chế độ độc tài, chuyên chính sắt máu, coi nhân dân như cỏ rác, coi chuyện nước non nằm trong bàn tay vo tròn, bóp méo của đảng. Trong điều kiện như thế làm sao dân tộc, đất nước có thể tiến bước theo đà phát triển chung của các quốc gia ngay tại vùng Đông Nam Á Châu, nói chi đến thế giới văn minh!
Điều tác giả trông đợi là giới lãnh đạo trong nước nhận ra tình trạng trì trệ, lạc hậu của đất nước đưới sự thống trị của họ, can đảm vứt bỏ thứ chủ nghĩa lạc hậu, không tưởng cộng sản để mở đường cho giới trí thức tham gia vào những công trình nghiên cứu sâu rộng, minh bạch để tìm hiểu căn nguyện sự tiến bộ của các quốc gia trong vùng như Nhật Bản, Nam Dương, Tân Gia Ba, Hàn Quốc… Nhưng đáng tiếc là tất cả đều bị cho rơi vào khoảng không. Đấy là bi kịch Việt Nam hôm nay.
Điều đáng buồn hơn hết là do chủ trương ngu dân của tập đoàn lãnh đạo, rất nhiều người Việt Nam ở trong cũng như ngoài nước đã có những đánh giá sai lệnh về mức phát triển của Việt Nam. Vì thiếu kiến thức và cũng vì ảnh hưởng guồng máy tuyên truyền, bóp méo sự thật của truyền thông nhà nước, một số không nhỏ chỉ căn cứ vào một vài công trình vật chất như các building, hệ thống cầu đường, các thương xá, các khu du lịch để đánh giá sự phát triển tại Việt Nam. Chuyện gần nhất tuồng như người ta cũng không nhìn thấy để nêu câu hỏi là những công trình tạm coi là lớn lao ấy do đâu mà có? Mức độ bền vững của những kiến trúc này ra sao? Nó được thực hiện từ tài nguyên, vốn liếng, kỹ thuật của người Việt Nam hay chỉ là những công trình vay mượn của nước ngoài?  Và nếu đến từ nước ngoài thì một hệ lụy khác lại xảy ra là đất nước sẽ gánh thêm nợ nần để chồng chất lên đầu lên cổ các thế hệ mai sau phải trang trải?
Xa hơn, vì kiến thức hạn hẹp, và cũng vì chỉ quanh quẩn nơi xó nhà, trước năm 1975 cũng như gần đây chưa có dịp du lịch qua các quốc gia Thái Lan, Tân Gia Ba, Đài Loan, Hàn Quốc. Do đó họ không có điều kiện để so sánh mức phát triển của Việt Nam Cộng Hòa trước khi bị cộng sản miền bắc thôn tính so với những quốc gia này cùng thời gian. Trong khi ấy họ cũng không hề có một ý niệm nào về mức phát triển của Việt Nam thống nhất bắc nam sau 75 dưới thời cộng sản thống trị nếu so với Thái, Tân Gia Ba, Đài Loan hay Hàn Quốc.
Việt Nam là một quốc gia có dân số đứng hàng thứ 13 trên thế giới, lại là một đất nước giầu tài nguyên thiên nhiên sát cạnh Thái Bình Dương, và với một dân tộc cần cù nhiều sáng kiến, chịu học hỏi.  Như thế, theo cách nhìn của GS Trần Đình Thọ, đất nước, dân tộc ta có rất nhiều tiềm năng và triển vọng tiến rất xa không thua kém bất cứ quốc gia nào trong vùng nếu không còn chế độ cộng sản.
Trong điều kiện ấy, nếu Hà Nội vẫn ngoan cố ngồi lỳ, không chịu tự giải thể trả lại quyền điều hành đất nước cho nhân dân, thì chỉ còn một phương cách duy nhất lả toàn dân phải nhất tề đứng dậy, quyết liệt đấu tranh lật đổ tập đoàn cộng sản, khai mở một lộ trình tự do, khoáng đãng hơn cho Việt tộc đi vào một vận hội mới.
Ngày Lễ Tạ Ơn 2016
____
[1] Trong tác phẩm Chính Đề Việt Nam được ông Ngô Đình Nhu thai nghén trong nhiều năm cho đến ngày bị nhóm phản tướng đảo chính sát hại, tác giả luôn chủ trương Việt Nam phải Tây Phương Hóa triệt để, coi đấy như con đường duy nhất để phát triển đất nước và dân tộc. Tác giả cũng đoan quyết ngày nào chế độ Cộng Hòa miền Nam còn đứng vững, tham vọng xâm chiếm nước ta của Bắc Kinh sẽ không bao giờ thực hiện được. Trái lại, nếu miền Nam bị mất thì kết quả bi thảm này sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.

Aucun commentaire: